(MPI) – Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra ngày 08/01/2025, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024, thảo luận những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2025.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2025. Ảnh: Chinhphu.vn |
Các ý kiến cho rằng, năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Kinh tế – xã hội phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ đạt mà cơ bản vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, của các cơ quan Trung ương đã rất quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với Thành phố, nhờ vậy, Thành phố đã đạt kết quả khá tốt, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2024 theo giá so sánh 2010 đạt 1.170.804 tỷ đồng, tăng 7,17%; Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 ước thực hiện 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán và tăng 13,3% so với năm 2023.
Nhiều dự án tồn đọng trong nhiều năm đã được khởi động trở lại, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó, có thể kể đến là Tuyến Metro 1. Nhiều công trình giao thông đã được hoàn thành, khánh thành vào cuối năm 2024, nhiều dự án lớn, đề án lớn đã được chuẩn bị, thông qua cơ quan thẩm quyền, như đề án Trung tâm tài chính quốc tế, đề án đường sắt đô thị, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài… Đây là những dự án hạ tầng chiến lược của vùng.
Thành phố Hồ Chí Minh xác định là năm tăng tốc để về đích và phấn đấu hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, chuẩn bị kế hoạch và triển khai các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Theo đó, Thành phố nghiêm túc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương gắn với tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ, tái cơ cấu đội ngũ công chức viên chức và chuyển đổi số mạnh mẽ nền hành chính để nâng cao hiệu lực hiệu quả; tập trung triển khai có hiệu quả, nâng cao kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng; khẩn trương triển khai quy hoạch Thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trong năm 2025 để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế cũng như là các dự án là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4 và đường sắt đô thị; Phối hợp để triển khai các công trình trọng điểm như Nhà ga T3, vành đai 3 cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.
Cùng với đó, Thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của thành phố gắn với phát huy hoạt động của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 trong mạng lưới của Diễn đàn Kinh tế thế giới; tập trung chuẩn bị và triển khai tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, các ngày lễ lớn trong năm, đại hội đảng các cấp.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, Chính phủ đã điều hành đúng theo phương châm đã đề ra từ đầu năm, kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả và bền vững. Điều hành thực hiện các dự án trọng điểm theo tinh thần quyết liệt, sâu sắc, hiệu quả, tạo áp lực và biến áp lực thành động lực. Điển hình của Dự án đường dây 500 kV mạch 3, được thực hiện trong thời gian rất ngắn với nhiều công việc. Thực sự là một kỳ tích truyền cảm hứng cho các địa phương thực hiện các dự án.
Ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo thông thoáng hơn, phân cấp mạnh mẽ hơn. Trong thời gian vừa qua, nhất là tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, đã thông qua 18 Luật và 21 Nghị quyết, sửa 4 Luật, tạo điều kiện cho việc thực hiện các nhiệm vụ, khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các việc liên quan đến hỗ trợ người dân, nhất là người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, điển hình là người dân ở phía Bắc, chịu tác động của cơn bão số 3; và những người dân có khó khăn thông qua chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã triển khai rất quyết liệt và mạnh mẽ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, kinh tế tỉnh Nghệ An tăng trưởng dần qua các quý, đầu tư FDI tiếp tục khởi sắc, xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo hồi phục mang đến triển vọng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I năm 2024 đạt 6,91%, và có 4 xu hướng tăng dần theo thời gian, quý II đạt 8,61%, quý III đạt 9,68%, quý IV ước đạt 10,40%. Sự quyết liệt trong chỉ đạo, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã khiến GRDP bứt tốc trong những tháng cuối năm, cán đích tăng trưởng 9,01%, là mức tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 13 của cả nước.
Nghệ An chủ trương phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, cả nước và quốc tế; đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Năm 2024 (Từ ngày 01/01/2024 – 31/12/2024), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2.207 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,71% (+158 doanh nghiệp) so với năm 2023, với tổng số vốn đăng ký thành lập 23.484,8 tỷ đồng, tăng 24,82% (+4.670,4 tỷ đồng). Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 1.047 đơn vị, tăng 21,18% (+183 đơn vị). Có 821 doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 16,05% (-157 doanh nghiệp).
Thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả khá tích cực. Trong tháng 12/2024 (tính từ ngày 01/12/2024 đến 23/12/2024), đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 01 dự án/Tổng mức đầu tư (TMĐT) 79,1 triệu USD, điều chỉnh cho 06 lượt dự án, trong đó điều chỉnh vốn cho 01 lượt dự án/TMĐT tăng 25,15 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1.864,23 tỷ đồng. Dự án cấp mới: Khu dân cư VSIP Nghệ An – Casa Flora tại KCN VSIP của Công ty TNHH VSIP Nghệ An. Lũy kế trong năm 2024 (Tính đến ngày 23/12/2024), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 82 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 38.731,4 tỷ đồng. Điều chỉnh 167 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 42 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 22.756,7 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 61.488,1 tỷ đồng, gấp 1,12 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam bày tỏ đồng tình, thống nhất rất cao với các báo cáo và dự thảo nghị quyết Chính phủ trình bày tại Hội nghị. Đồng thời cho biết, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá với tinh thần càng khó khăn càng quyết tâm, nỗ lực càng cao. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 2024 của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế – xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng ở mức khá, trong 4 năm qua, đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, thuộc tốp đầu cả nước. Riêng năm 2024, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,74%, xếp thứ 4/14 tỉnh trong khu vực, 14/63 tỉnh, thành phố, GRDP bình quân đầu người đến cuối 2024 đạt trên 98 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh có thu nhập trung bình.
Thu ngân sách năm 2024 vượt 21% kế hoạch, thu hút được 1,2 tỷ USD vốn FDI thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu năm 2024. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai đạt kết quả tích cực, đến 31/12/2024, tỉnh đã giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, về chương trình mục tiêu quốc gia đạt 97%. Kết cấu hạ tầng kinh tế, công tác đối ngoại, quốc phòng an ninh… được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối nhiệm kỳ, năm tăng tốc, bứt phá về đích để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Quán triệt tinh thần kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh Ninh Thuận thống nhất cao với dự thảo nghị quyết của Chính phủ.
Với tinh thần đó, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đổi mới trong tư duy, hành động, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, nhất là trách nhiệm nêu gương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tiếp tục bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng lần thứ XIV của tỉnh, Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 được cụ thể hóa thành chương trình hành động, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng với quyết tâm tăng trưởng GRDP 2025 đạt 13-14%, tập trung hoàn thành sắp xếp bộ máy ngay trong quý I/2025, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc công cuộc chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ của tỉnh để tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân./.