Thời đại mà trang mạng xã hội cũng là một “hồ sơ” thể hiện bộ mặt của mỗi người, nhiều cha mẹ chọn khoe con – tấm huân chương đáng tự hào nhất của mình – ra công chúng. Thế nhưng, hành động xuất phát từ tâm ý dễ thương này đôi khi chệch hướng khỏi mục đích ban đầu, gây hậu quả khó xử giữa các thành viên trong gia đình.
“Khoe” con quá đà
Nhà chỉ có 3 mẹ con, từ ngày chị Hoàng Anh (30 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM) còn nhỏ, mẹ chị (nay 62 tuổi) chọn làm việc tại nhà để dễ gần gũi, chăm sóc con cái. Sau này, khi các con học đại học và đi làm, thấy mẹ chỉ lủi thủi một mình trong nhà, chị Hoàng Anh hướng dẫn mẹ dùng Facebook, kết bạn, có thêm nhiều mối quan tâm cho đỡ buồn.
Nhưng mọi chuyện diễn biến không đơn giản, chị tâm sự: “Mẹ bắt đầu rất vui, học cách chia sẻ cuộc sống hàng ngày và lựa chọn những cô bác hợp ý làm bạn. Một trong những đề tài chính mà mẹ hay đăng lên là “khoe” với bạn bè thành tích của con cái”.
Là người không hoạt động nhiều trên Facebook, nhưng chị vẫn ủng hộ bằng cách chụp nhiều hình hơn khi mình làm việc gì hay ho, hay có thành tích gì đó cho mẹ “có cái để đăng”, thế nhưng “mẹ muốn xây dựng một hình ảnh hoàn hảo nên mặt tôi nổi mụn hay kiểu tóc, bố cục ảnh không vừa ý mẹ đều tỏ ra thất vọng, chê bai. Cả nhà đi du lịch, mẹ tôi chỉ quan tâm hình ảnh để đăng”, chị Hoàng Anh nói.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là khi Hoàng Anh đọc được dòng trạng thái mẹ khoe trên mạng về người con học Trường ĐH Y dược, nói được 4 thứ tiếng, có học bổng Phần Lan, mức lương ngất ngưởng, mang về cho mẹ vài chục triệu đồng/tháng… Đến lúc đó chị mới biết đó chính là những điều mẹ mơ ước, nhưng chị chưa đủ khả năng đạt được dù đã rất cố gắng. Chị cảm thấy tủi thân và ngạc nhiên vì mọi chuyện đã đi xa đến mức khiến gia đình tổn thương nhiều như vậy.
Gần đây, nổi lên nhiều tài khoản mạng xã hội được vận hành bởi cha mẹ, nhưng nhân vật chính là các con. Khi con ngoan, con hư, con khủng hoảng gào khóc… đều được đăng hết lên mạng với lý do chủ đề kênh là sinh hoạt gia đình, chia sẻ cách dạy con. Thậm chí có bé gái gặp vấn đề dậy thì sớm, người mẹ đưa bé đi khám nhưng quay video toàn bộ, kể tuốt tuồn tuột lên mạng. Những clip này đôi khi đem lại hậu quả ngoài kiểm soát: người xem thì bình luận đủ kiểu, người phản đối cách mẹ dạy con, người lại đòi đánh, phạt, chê bai bé nặng lời.
Phản ứng với những clip gây tranh cãi này, chị Thùy Dung (30 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) tâm sự: “Tôi không đồng ý việc đưa thông tin trẻ con lên mạng. Tôi quan điểm, con mình mình thương, nhưng không thể bắt người khác cũng thương con mình, hay đồng tình, thấu hiểu với cách dạy con nhà mình. Kỷ niệm đặc biệt tôi sẽ đăng vài ảnh, nhưng đăng mọi sinh hoạt hàng ngày của con thì không”. Trước đây, chị Dung cũng là “fan cứng” của nhiều em bé nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng vừa qua, thấy một bé gái mới 2 tuổi đã bị dân cư mạng lập group anti, chị Dung cho rằng, kết quả “khoe con” của người lớn lại ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân trẻ, thế nên không phải bé còn nhỏ thì cha mẹ có toàn quyền sở hữu, “con tôi tôi muốn đăng sao là chuyện của tôi”.
Yêu lấy thành công và cả thất bại của con
Mạng ảo nhưng lại làm thương tổn cuộc sống thật của con cái, làm xáo trộn gia đình. Như với Hoàng Anh, cuối cùng chị đành hủy kết bạn với mẹ trên mạng để cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chị tiếc nuối: “Các cô bác khác cũng hay khoe con, mẹ tôi càng muốn tôi phải hơn họ để so sánh với con của bạn bè”. Hai năm nay, chị hoàn toàn không chia sẻ với mẹ về những điều mình đang cố gắng hay những thành tựu nhỏ lớn của mình vì chị sợ những điều này chưa đủ “hoành tráng” để làm mẹ cảm thấy tự hào. Xa cách hơn với mẹ trở thành biện pháp để chị bảo vệ bản thân mình khỏi một “cuộc đua” khác.
Ngược lại, dù trang mạng xã hội của cha mẹ khá “vắng vẻ”, gia đình chị Thùy Dung lại hạnh phúc hơn với những thói quen cả nhà tự tạo ra để cả nhà gần nhau hơn. Hai chị em biết thời gian mình đi làm còn nhiều hơn thời gian gặp mặt cha mẹ, nên cuối tuần, cả nhà cùng nhau đi du lịch, ra ngoài ăn uống, có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe mỗi bữa ăn sáng và ăn tối. Chị Dung kể: “Thói quen thì rất đơn giản, quan trọng là chúng tôi 4 người cùng nhau xây dựng và nghiêm túc duy trì những điều đó từ trước tới nay. Cả nhà thật sự dành thời gian cho nhau, chuyện tốt đẹp hay đáng xấu hổ của tôi chỉ mẹ biết và chia sẻ là đủ rồi”.
Ngày nhỏ, gia đình chị Dung khó khăn về kinh tế, nay hai chị em đi làm, cuộc sống dễ thở hơn, cha mẹ rất quý những bữa ăn “chi mạnh tay một chút” và những chuyến du lịch chung nên đăng hình lên mạng làm kỷ niệm. Còn chuyện không được cha mẹ “khoe” mình nhiều lên mạng, chị Dung cho biết, mình thấy rất bình thường, không có gì tủi thân cả, còn vui hơn. Vì có nhiều chuyện, dù vui dù buồn, thành công hay thất bại đều yên ổn hơn nếu chỉ giữ trong nội bộ gia đình chia sẻ với nhau. Gia đình, chứ không phải mọi người quen trên mạng, là nơi chấp nhận và yêu thương mọi ghềnh thác cuộc đời của mình.
TÂM HIỀN