SGGPO
Ngày 10-9, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, GS Phan Văn Trường đã có buổi trò chuyện ra mắt cuốn sách Cơn lốc quản trị (NXB Trẻ).
Tiếp nối bộ sách Kết tinh một đời, gồm 3 cuốn: Một đời thương thuyết; Một đời quản trị; Một đời như kẻ tìm đường và Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ, năm nay, GS Phan Văn Trường giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Cơn lốc quản trị, trong đó tập trung bàn về ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp.
“Cơn lốc quản trị” là ấn phẩm mới nhất của GS Phan Văn Trường, do NXB Trẻ ấn hành |
GS Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ, được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2010. Ông giữ vị trí quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, trong các lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước đô thị và dầu khí… Với kiến thức sâu rộng cùng cách nói chuyện gần gũi, lần nào chương trình giao lưu ra mắt sách của GS Phan Văn Trường cũng thu hút đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ đang đứng trước sự nghiệp của cuộc đời.
GS Phan Văn Trường có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới |
Trong Một đời quản trị và các cuốn sách trước, GS Phan Văn Trường đã đề cập đến văn hóa công ty ở nhiều khía cạnh khác nhau. Với Cơn lốc quản trị, ông phát triển và đi sâu hơn nữa về chủ đề khá trừu tượng này. Vẫn giữ nguyên phong cách tiếp cận dựa trên những câu chuyện từ thực tế trải nghiệm của mình, ông dẫn dắt độc giả trên con đường tìm hiểu vai trò của văn hóa doanh nghiệp, đồng thời đi sâu giải thích ba phong cách văn hóa mà chính ông đã tiên phong áp dụng cho những doanh nghiệp mình từng tham gia quản trị.
Ba phong cách đó chính là: Văn hóa lãnh đạo: Mọi việc đều căn cứ theo “lợi ích tối đa của doanh nghiệp”; Văn hóa làm việc: Truyền thông toàn diện (hay còn gọi là văn hóa báo cáo kịp thời); Văn hóa tự thân cho mỗi nhân viên: Ôn hòa và chuyên nghiệp. Ở mỗi phong cách văn hóa, tác giả đi vào giải thích chi tiết nội hàm và ứng dụng vào thực tế doanh nghiệp, đi kèm với nhiều ví dụ mà chính ông đã trải qua hoặc chứng kiến.
Bạn đọc chăm chú ghi lại những chia sẻ quý giá của GS Phan Văn Trường |
Tại chương trình giao lưu, GS Phan Văn Trường đã chia sẻ nhiều vấn đề cốt lõi giữ vai trò quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Một trong yếu tố đó là tinh thần phản biện. Theo ông, tinh thần phản biện là giá trị gia tăng của doanh nghiệp.
“Một doanh nghiệp mà không có tinh thần phản biện là không có giá trị gia tăng. Bởi vì, chính khi mình phản biện mới tạo nên giá trị, mới tạo nên sự điều chỉnh cần thiết”, GS Phan Văn Trường khẳng định.
Một bạn đọc đặt câu hỏi với GS Phan Văn Trường |
Đặc biệt, GS Phan Văn Trường đã đưa ra một cảnh báo đáng lưu ý cho những ai đã và đang hoạt động trong các doanh nghiệp. Theo ông, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hôm nay không hội đủ yếu tố để trường tồn.
Nhiều người yêu mến GS Phan Văn Trường bởi kiến thức sâu rộng cùng phong cách trò chuyện gần gũi của ông |
Từ đó, GS Phan Văn Trường đặt ra vấn đề đi tìm sự trường tồn. Và sự trường tồn đó nằm ngay ở ba trụ cột văn hóa: “lợi ích tối đa của doanh nghiệp”, “truyền thông toàn diện theo thời gian thật” và “ôn hòa, chuyên nghiệp”.
Theo ông, khi cả ba văn hóa này cùng nhau tác động thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng mau chóng trỗi dậy và thành công một cách bền vững.
Bạn đọc xếp hàng xin chữ ký của GS Phan Văn Trường |
GS Phan Văn Trường nhắn nhủ: “Áp dụng ba văn hóa là một việc mang tính quản trị. Nó chuẩn hóa, phóng thích, gắn kết, mang đến sự mạch lạc và phát huy tinh thần sáng tạo trong bầu không khí làm việc thoải mái, an nhiên và trong lành. Đây đều là những tác động trên con người. Và nó giúp doanh nghiệp tìm ra thêm những người có khả năng/tài năng thực đang hiện hữu trong chính doanh nghiệp, cũng như tạo cơ hội cho mỗi nhân viên để phát triển bản thân, đóng góp tốt hơn và hữu hiệu hơn”.