Nhà nội tôi có cả thảy 9 người con, bố tôi là một trong số hai người con trai. Bố kể những năm còn nhỏ, gia đình ông bà nội tết năm nào cũng quây quần gói bánh, giã giò dịp tết – đó là những ngày vui nhất trong ký ức tuổi thơ.
Tuổi thơ của bố tôi là những ngày đi tắm sông, cất vó, trèo cây hái trộm ổi cùng với mấy anh em họ. Bố kể ngoài quê đất không rộng rãi như trong miền Nam, nhà sát nhà cách nhau cái ao hay hàng cây vải thiều, cây nhãn. Nhà ông nội 9 người con, nhà anh trai của ông nội cũng thêm 6 người nữa. Tết đến hai gia đình chung nhau giết một con heo nhà nuôi. Thịt chia ra phần làm giò, phần gói bánh chưng, kho tàu…
Tết xưa qua lời kể của bố là buổi sáng tinh sương trong cái lạnh se sắt miền Bắc cuối năm, đàn ông giã giò bằng cối, phụ nữ gói bánh chưng. Tiếng khua chày lạch cạch, âm thanh chuyện trò rộn rã. Lúc đó bố tôi và các anh em ngồi xung quanh tròn mắt xem, xin gói thử vài chiếc bánh chưng nhỏ gọi là bánh cóc. Thời xưa thiếu thốn khó khăn, trẻ con như bố chỉ mong tết đến được ăn thịt, ăn miếng giò. Đêm đến, mười mấy anh em của hai nhà cùng ngồi canh nồi bánh chưng, chờ vớt bánh. Nhưng bánh chưng vớt ra còn phải nhúng nước lạnh, ép lại một lượt cho chắc bánh. Nên lũ trẻ con lại phải tiếc nuối đi ngủ với nỗi háo hức chờ trời sáng. Một buổi sớm lạnh lẽo co ro, thức dậy thật sớm mang bánh chưng ra bóc từng lớp lá lộ ra phần nếp xanh thơm phức. Bánh chia đều sao cho mỗi miếng đều có đậu, có thịt mỡ óng ánh, chấm với mật mía ngọt lịm. Trẻ con được miếng bánh thế là vui, là thấy tết về.
Ông nội đưa đại gia đình vào miền Nam lập nghiệp rồi định cư từ năm 1986. Đến nay đã gần 40 năm, ông bà nội cũng đều đã về với tổ tiên thế nhưng phong tục gói bánh chưng tết vẫn còn lưu lại trong gia đình tôi. Bận rộn đến mấy bố tôi cũng bảo phải lưu giữ những hình ảnh này. Thêm nữa bố bảo ăn miếng bánh chưng tự tay gói lúc nào cũng cảm thấy thơm ngon đậm đà đúng vị hơn những chiếc bánh mua. Tôi nghĩ đó còn là mùi của hoài niệm, của ký ức tuổi thơ.
Bố tôi bảo đàn ông sinh ra lớn lên ở đất Bắc đa số đều biết giã giò, gói bánh chưng. Bây giờ bố tôi đã già, em trai tôi lại bắt đầu học gói bánh. Có điều mỗi năm được thực hành có một lần nên lúc nhớ lúc quên, hầu như bố tôi đều phải chỉ lại các bước cơ bản. Cô em út thì thích thú với việc tự tay gói mấy chiếc bánh cóc nhỏ xíu. Nhà tôi ít người, ăn chẳng bao nhiêu nhưng gói dư để mang biếu ông ngoại, người thân. Vừa gói vừa ngồi nghe bố tôi kể chuyện “ngày xưa” cái tết miền Bắc rộn ràng và hoài niệm biết bao nhiêu.
Tôi nhớ những cái tết cách đây nhiều năm, khi vẫn còn là một đứa trẻ, ngồi rửa lá dong, lau lá, gấp lá dong cho ông nội. Ông tôi là người truyền thống và kỹ lưỡng, luôn chủ trương tết phải đủ đầy phong vị ngày xưa. Năm 90 tuổi, ông vẫn tự tay chẻ lạt, gấp lá khuôn bánh. Những năm chưa có tủ lạnh, bánh muốn bảo quản lâu trong cái tiết trời miền Nam khô nóng, nhà tôi trữ bánh trong thùng đá hoặc treo lủng lẳng trên mặt giếng nước vì nhiệt độ ở giếng rất mát. Qua hết mùng, lúc thịt thà đã bớt ngán, bánh chưng được cắt nhỏ đem chiên vàng rụm các cạnh. Sáng sáng mẹ chiên cho một miếng bánh chưng nóng hổi giòn rụm, ăn kèm dưa món là đủ no bụng đạp xe đi học.
Nhiều lúc tôi cứ không hiểu sao người già thường hay hoài niệm “ngày xưa”. Điển hình như bố tôi khi gặp các cô chú cùng tuổi vẫn có thể kể đi kể lại những kỷ niệm thời còn bé, có những câu chuyện tôi nghe đến thuộc. Nhưng rồi bất giác, khi ngồi xem bố gói bánh, tôi cũng nhớ “ngày xưa” của bản thân, của gia đình mình. Tôi cảm ơn những “ngày xưa” ấy vì những ấm áp đủ đầy mỗi mùa tết với hương bánh chưng xanh, mùi khói bếp củi. Và đặc biệt, dù có bận rộn đến đâu, biết gói hay chỉ ngồi xem cổ vũ, cả gia đình tôi vẫn quây quần đông đủ vào ngày gói bánh.
TRẦN THỊ NGỌC HUYỀN
Quận Bình Thạnh, TPHCM