Vận dụng linh hoạt quy định
Cụ thể hóa kế hoạch của Thành ủy, UBND TPHCM về thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ngay từ đầu tháng 11-2022, UBND quận 11 đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, quận đã tiếp nhận 35 công trình, đề án; trong đó, nhiều công trình, đề án giải quyết được mong mỏi của người dân. Chẳng hạn, đề án của Phòng Quản lý đô thị quận về giải quyết việc cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân ở 7 phường chưa có hệ số sử dụng đất.
Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 11 Lâm Quang Trường cho biết, quận có 3 đồ án thuộc 7 phường chưa quy định hệ số sử dụng đất đối với các ô phố chức năng quy hoạch là đất dân cư hiện hữu cải tạo. Trước đây, UBND quận 11 căn cứ các quy định của UBND TPHCM để cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho người dân.
Cuối năm 2022, Sở QH-KT có văn bản hướng dẫn, theo đó, các lô đất ở của người dân ở 7 phường chưa có hệ số sử dụng đất không đủ cơ sở để xem xét, giải quyết cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Muốn cấp giấy phép thì quận phải xin điều chỉnh quy hoạch đối với 3 đồ án quy hoạch phân khu này. “Do chưa thể trình thành phố chấp thuận điều chỉnh tổng thể hoặc điều chỉnh cục bộ đối với 3 đồ án này nên quận phải tạm dừng thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân tại 7 phường. Việc này đã gây bức xúc rất lớn trong người dân khu vực”, ông Lâm Quang Trường nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trồng cây tại Vườn cây quà tặng trong khuôn viên Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc, TP Thủ Đức, TPHCM |
Trước thực tế đó, căn cứ Kết luận 14, Phòng Quản lý đô thị đã lập đề án, tham mưu UBND quận 11 trình Ban Thường vụ Quận ủy về việc rà soát các tiêu chuẩn của Việt Nam đối với nhà ở liên kế, quy hoạch phân khu thời kỳ 2003-2007. Quan điểm là tháo gỡ, thống nhất cách tính hệ số sử dụng đất đối với vị trí nhà ở người dân trên 7 phường, nhằm đảm bảo không trái quy chuẩn hiện tại, đảm bảo dự phòng khi điều chỉnh quy hoạch phân khu, từ đó cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho người dân không vượt quy định. Được sự thống nhất của Ban Thường vụ Quận ủy, từ đầu tháng 6 đến nay, quận 11 đã tiến hành cấp giấy phép xây dựng cho hơn 60 hồ sơ ở 7 phường nói trên.
Đa dạng cách triển khai
Tại TP Thủ Đức, Vườn cây quà tặng nằm trong khuôn viên Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc (phường Long Bình) cũng được hình thành trên cơ sở vận dụng Kết luận 14. Theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp, hiện các khu chức năng trong dự án công viên phần lớn là đất trống, chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch do thiếu nguồn lực.
TP Thủ Đức đã xây dựng đề án, triển khai Vườn cây quà tặng, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia và bước đầu được người dân hưởng ứng. Ngoài ra, UBND nhiều phường tại TP Thủ Đức cũng vận dụng Kết luận 14 đề xuất xây dựng công viên tại các khu đất trống xen cài trong khu dân cư; đề xuất kế hoạch sử dụng, khai thác nhà, đất công.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, cuối tháng 3-2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đã ban hành Kế hoạch 220, khuyến khích đề án chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội chưa được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân cũng như sự phát triển của TP Thủ Đức. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã đăng ký nhiều đề án, công trình thiết thực. Quận 7 cũng triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ quận về thực hiện Kết luận 14, trong đó xác định 5 nhóm lĩnh vực trọng tâm cần tập trung triển khai để tạo sự chuyển biến trên địa bàn quận.
Tương tự, trong xây dựng các đề án thực hiện Kết luận 14, Chủ tịch UBND quận 11 Nguyễn Trần Bình thông tin, quận ưu tiên thẩm định và triển khai các đề án dân sinh. Ngay cả việc đăng ký công trình, đề án, quận 11 đòi hỏi các đơn vị nêu rõ những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đề ra những giải pháp có thể tháo gỡ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua. “Đối với các đề án trực tiếp liên quan đến người dân, quận yêu cầu công khai quy trình để người dân biết và giám sát bằng nhiều hình thức”, ông Nguyễn Trần Bình khẳng định.
Thời gian qua, TPHCM rất quyết liệt trong triển khai Kết luận 14. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Kế hoạch 124 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; UBND TPHCM cũng ban hành Kế hoạch 3815 về thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, người lao động sáng tạo vì lợi ích chung. Mới đây nhất, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, UBND TPHCM cũng có kế hoạch thực hiện. Đồng thời, UBND TPHCM đã thẩm định 25 đề án các quận, huyện, sở, ngành đăng ký với thành phố, trong đó có nhiều đề án đã được chấp thuận chủ trương.