Trước giờ đấu thầu vào sáng 23-4, giá vàng SJC giảm mạnh gần 1,5 triệu đồng/lượng nhưng sau đó đã quay đầu phục hồi sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố kết quả đấu thầu… “ế” 13.400 lượng vàng miếng. Chỉ có 2 đơn vị trúng thầu trong đợt này với khối lượng mua 3.400 lượng.
Khách thưa thớt
Ghi nhận giá vàng vào cuối giờ chiều tại TPHCM, Công ty SJC giao dịch vàng SJC ở mức 81 triệu đồng/lượng mua vào và 83,3 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,2 triệu đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán so với buổi sáng; giá mua vào không đổi nhưng giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán so với hôm trước. Tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) niêm yết ở mức 80,8 triệu đồng/lượng mua vào và 82,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 800.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán so với buổi sáng; tăng 100.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán so với hôm trước. Mặc dù sự kiện NHNN tổ chức đấu thầu vàng được dự báo sẽ tạo ra thay đổi cho thị trường vàng nhưng thực tế giao dịch trong ngày 23-4 tại TPHCM khá trầm lắng. Ở tiệm vàng Mi Hồng, khá nhiều khách đến giao dịch nhưng chủ yếu mua vàng nhẫn và nữ trang. Trong khi đó, các tiệm vàng quanh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) như Minh Châu, Loan Thảo… không có khách nên phải dùng vải che tủ vàng lại để tránh nắng, bụi. Tại một số khu vực chuyên mua bán vàng như chợ Thiếc (đường Phó Cơ Điều, quận 11) và cả khu phố kinh doanh vàng trên đường An Dương Vương (quận 5), khách hàng đến giao dịch cũng khá thưa thớt.
Tại Hà Nội, giá vàng phục hồi nhẹ hơn. Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 80 triệu đồng/lượng mua vào và 82,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng cả 2 chiều mua và bán so với buổi sáng nhưng vẫn giảm 1 triệu đồng chiều mua và 950.000 đồng chiều bán so với hôm trước. Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,85-82,8 triệu đồng/lượng. Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, trước khi công bố kết quả phiên đấu thầu vàng của NHNN, giá vàng trong nước đã có sự “lao dốc” khi vàng SJC giảm cả triệu đồng mỗi lượng. Theo quan sát, lượng khách hàng đến giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh vàng trên một số tuyến phố Hà Nội như Trần Nhân Tông, Hòa Mã cũng lác đác.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 giảm mạnh. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn 9999 loại 1, 2 và 5 chỉ ở mức 72,9 triệu đồng/lượng mua vào và 74,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,1 triệu đồng chiều mua và 1,2 triệu đồng chiều bán so với hôm trước. Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 840.000 đồng cả 2 chiều mua và bán, còn 73,68 triệu đồng/lượng mua vào và 75,38 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với mức giá kỷ lục thiết lập vào ngày 12-4, hiện vàng SJC đã giảm hơn 2,5 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm 3% và vàng nhẫn 9999 cũng giảm hơn 2,3 triệu đồng, tương đương giảm gần 3%.
Giải pháp phải căn cơ hơn
Nhận định về việc đấu thầu vàng miếng ngày 23-4 của NHNN, nhiều chuyên gia cho rằng, với tình hình địa chính trị như hiện nay, giá vàng sẽ có xu hướng tăng nhưng trong nhiều thời điểm vẫn giảm. Đơn cử, trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chiều 22-4 ở mức 2.299,4 USD/ounce, giảm gần 28 USD so với phiên trước. Mức giá này sau quy đổi tương đương 70,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC 12,7 triệu đồng/lượng so với buổi sáng, được thu hẹp còn 9,7 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 4,5 triệu đồng/lượng. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn thận trọng khi quyết định mua vàng trong thời điểm này. Chưa kể, với quy định mỗi thành viên được phép đặt thầu tối thiểu 1.400 lượng vàng cũng làm cho nhiều doanh nghiệp e ngại. Để mua số lượng vàng này, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng… Với dự báo giá vàng còn nhiều biến động như hiện nay, rất khó có doanh nghiệp dám mạo hiểm. Theo chuyên gia của SIA Wealth Management, rủi ro địa chính trị trên toàn thế giới vẫn còn rất lớn và có thể kích hoạt các đợt tăng giá của vàng trên thị trường bất kỳ thời điểm nào. Giá vàng thế giới giảm như trên là do làn sóng chốt lời trong bối cảnh tình hình địa chính trị tại Trung Đông lắng dịu. Tuy nhiên, diễn biến tại Trung Đông vẫn là yếu tố chính tác động đến hướng đi của vàng trong vài ngày tới.
Nhận định về thị trường vàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp nhất thời. Ngoài việc đấu thầu vàng, NHNN và Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trong đó, cần xóa độc quyền vàng miếng thương hiệu vàng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng lớn, có uy tín thay vì NHNN thực hiện việc này như hiện nay. Tiếp nữa là nên thành lập sàn vàng quốc gia để người dân nhìn vào đó nhằm điều chỉnh hành vi mua bán vàng và làm sao có thể huy động được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng cho NHNN. “Phải thực hiện tất cả các giải pháp trên thì mới có thể tìm được sự ổn định trên thị trường vàng, còn không, thị trường này sẽ còn biến động vì giá vàng trong nước còn chịu tác động nhiều bởi giá vàng thế giới.
Ngày 23-4, NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm. Kết quả, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất là 81.330.000 đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng. Với kết quả này, cả số thành viên cùng với khối lượng vàng trúng thầu đều thấp hơn nhiều lần so với con số đăng ký trước đó là 15 đơn vị tham gia và 16.800 lượng vàng được đem ra đấu thầu.
HẠNH NHUNG – ĐỨC TRUNG – LƯU THỦY