SGGP
LTS: Gần đây, nhiều địa phương xảy ra tình trạng nhà máy xử lý rác thải bốc mùi hôi, rác và nước rỉ rác tràn ra môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Dù các địa phương này đã nỗ lực chấn chỉnh nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết căn cơ…
Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tại đường Tam Tân, xã Thái Mỹ, Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Không chỉ ở các tỉnh thành xa mà ngay các đô thị lớn, có tiềm năng kinh tế, trình độ kỹ thuật như Hà Nội, TPHCM… cũng rơi vào tình trạng quá tải trong xử lý rác thải.
Rác tăng hơn 10%/năm
Với dân số trên 8,5 triệu người, mỗi ngày, TP Hà Nội phát sinh 6.500-7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ, Hà Nội có 3 khu vực xử lý rác chính: Nam Sơn (ở Sóc Sơn), Xuân Sơn (ở Sơn Tây), Cầu Diễn (ở Nam Từ Liêm). Tuy nhiên các khu xử lý rác này đang quá tải, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường.
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) nằm ở 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn, là khu xử lý rác thải sinh hoạt khoảng 160ha. Vài năm gần đây, nhiều lần, không ít người dân 2 xã trên căng lều bạt, chặn đường không cho xe chở rác vào khu xử lý. Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Bùi (62 tuổi, thôn 2, xã Hồng Kỳ) cho biết: “Những ngày mưa thì nước rác chảy lênh láng khắp nơi, còn ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Rồi không ít lần xe chở rác ngoài đường làm rò rỉ nước rác ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của chúng tôi. Ruồi nhặng quá nhiều, có những hôm ăn cơm phải chui vào trong màn để ăn vì không thể chịu được”.
Ở TPHCM, trung bình mỗi ngày thải ra 9.700 tấn rác sinh hoạt. Thành phố đã đầu tư 2 khu xử lý rác lớn là Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh). Với tốc độ tăng lượng rác thải khoảng 10% mỗi năm, TPHCM cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Đã vậy, do gặp một số khó khăn, vướng mắc, thời gian qua, thành phố chưa thể đầu tư vành đai cây xanh cách ly các khu xử lý rác với khu vực sinh sống của người dân nên gặp lúc gió lớn, thời tiết bất lợi, mùi hôi từ các bãi rác bốc lên, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân. Mới đây, khi đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, nhiều người dân ở đây phản ánh, nếu như trước kia gần khu xử lý rác Phước Hiệp, người dân có thể canh tác, sản xuất nông nghiệp thì nay khu vực đã bị ô nhiễm nguồn nước, đất nên không thể làm gì.
Rối trong chọn công nghệ
Năm 2012, tỉnh Cà Mau đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau với công suất 200 tấn/ngày, xử lý rác thải của 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Quá trình hoạt động, nhà máy này liên tục gặp sự cố, hư hỏng, có thời điểm phải ngưng hoạt động do bị quá tải. Trong 10 năm qua, UBND tỉnh liên tục kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác, nhưng rất hiếm đơn vị tìm đến. Có doanh nghiệp đến đầu tư thì lại vướng nhiều quy định, thủ tục… khiến dự án cứ “treo”.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar tại đường Tam Tân, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bãi rác Tân Tạo, bãi tập kết rác thải lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, từ khi được đưa vào hoạt động (năm 2009) đến nay, luôn trong tình trạng quá tải. Khoảng 4 năm trở lại đây, bãi rác Tân Tạo phải “oằn mình” gánh 100 tấn rác mỗi ngày, gấp 4 lần so với sức chứa được duyệt. Do quá tải, bãi rác Tân Tạo thường xuyên phát tán mùi hôi thối trên bán kính rộng, để nước từ rác thải chảy ra xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân địa phương.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm giải pháp xử lý triệt để tình trạng bãi rác, nhà máy xử lý rác thải bị quá tải. Thời gian qua, UBND tỉnh đã yêu cầu trung tâm dịch vụ đô thị tỉnh phải xử lý mùi hôi tại bãi rác Tân Tạo bằng chế phẩm sinh học với liều lượng phun xịt gấp 4 lần so với trước. Về giải pháp căn cơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 200 tấn/ngày đêm. Đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, dù đã phát thông báo, xúc tiến, kêu gọi nhiều năm, song đến nay chưa có nhà đầu tư, doanh nghiệp nào tiếp cận có tính khả thi.
Nguồn: Bộ TN-MT; Đồ họa: NGỌC TRÂM |
Tại tỉnh An Giang, nhiều năm nay bà con cử tri liên tục kiến nghị phải sớm có giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt. Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Việt Trí cho biết, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Phú Tân (công suất 120 tấn/ngày) và nhà máy xử lý chất thải rắn TP Châu Đốc (công suất 195 tấn/ngày) đã đấu thầu, chọn được nhà thầu. Tuy nhiên, việc đàm phán, thương thảo hợp đồng chưa thành.
Trong khi đó, theo Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang, TP Phú Quốc mỗi ngày thải ra khoảng 200 tấn rác sinh hoạt. Chính quyền đã dành 2 khu đất hàng chục hécta tại xã Hàm Ninh và phường An Thới để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy rác, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư quan tâm.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bến Tre đã ban bố tình trạng khẩn cấp trước sự cố về môi trường ở bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri. Bãi rác này rơi vào tình trạng quá tải do phải nhận thêm rác từ bãi rác ở 3 địa phương lân cận trong tỉnh, khiến nước rỉ rác và mùi hôi phát tán ra môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.