Di sản không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, mà còn là nền tảng vững chắc để mỗi quốc gia, mỗi dân tộc tự hào về bản sắc của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế. Việc trùng tu những công trình hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm tuổi, với yêu cầu làm sao gìn giữ được giá trị của hồn cốt di sản là vấn đề không đơn giản.
Nhiều năm qua, di sản trong nước được đánh thức giá trị qua những dự án lan tỏa, trùng tu hay phục dựng ngày càng nhiều. UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vừa tổ chức khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm – chùa Trăm Gian và xây dựng Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tín hiệu vui cho ngôi chùa có tuổi đời ngót nghét 1.000 năm. Dù vậy, giới chuyên gia, công chúng quan tâm di sản cũng từng băn khoăn, lo ngại về việc trùng tu chùa Cầu (Hội An) trước đây. Thời gian là một thách thức lớn cho công tác bảo tồn di sản, những công trình vốn được xây dựng cách đây hàng trăm, ngàn năm. Thậm chí, trong những giai đoạn lịch sử nhiều biến động, việc mất mát, không còn nhiều tài liệu cũ để so sánh, đối chiếu khiến công tác trùng tu, bảo tồn di sản lắm lúc chấp nhận hình thức phỏng dựng. Đây là quá trình chắp ghép những cứ liệu rời rạc nhằm dựng được một vật mẫu gần nhất có thể sát hiện thực lịch sử. Việc phỏng dựng không có một bản gốc để đối chiếu, nên các tác giả khó có thể khẳng định mình đã dựng chính xác 100% hay không. Họ chỉ có thể ngày càng tiệm cận lịch sử thông qua việc phát hiện những tình tiết, dữ liệu mới và cập nhật bản dựng.
Ở khía cạnh khác, theo nhiều chuyên gia, công tác bảo tồn phải ghi nhận đúng quá trình và giá trị khởi nguồn của di sản. Bởi đây là sự thừa nhận và tôn vinh từ cộng đồng, để một địa điểm, công trình được coi là di tích hay chỉ đơn thuần là công trình xây dựng. Nguyên tắc trùng tu do đó phải giữ được giá trị gốc, tránh “làm mới” hay “bê tông hóa” để những di tích trăm tuổi, ngàn tuổi không bị biến thành công trình… 1 tuổi. Việc thất truyền, mai một của nhiều làng nghề truyền thống có thể khiến kết quả trùng tu khó đạt 100% nguyên gốc, song sự khác biệt khi trùng tu vẫn phải theo chừng mực một tỷ lệ nhất định, để không làm mất hồn cốt di sản.
Tất cả các công trình sau khi trùng tu chỉ có thể tiệm cận cao nhất có thể với hiện trạng ban đầu, nên kết quả “rêu phong chưa bám, tường vôi chưa loang lổ” là chuyện đương nhiên. Do vậy, phản ứng thực tế của một bộ phận công chúng, đòi hỏi di sản sau khi trùng tu phải giữ được đường nét rêu phong, lớp sơn ngả màu… xem ra chưa hợp lý. Di sản cũng cần một khoảng thời gian để “kiểm chứng” xác đáng việc trùng tu thực sự chuẩn hay không.
Cuối cùng, việc trùng tu đôi khi nên cân nhắc, tập trung vào điểm chính ban đầu hay bao quát một quần thể lớn… Song hành với đó, công nghệ lưu trữ, thuyết minh, trình chiếu cũng là yếu tố cần thiết, đưa vào để nâng chất bảo tồn di sản. Qua đó, người xem khi đứng trước một công trình mới trùng tu có thể nắm bắt toàn bộ quá trình hình thành của di tích, xem lại hình ảnh – video về hiện trạng rêu phong theo năm tháng. Sự lưu trữ tích hợp công nghệ hiện đại này cũng được xem như là một hình thức “bảo hiểm” để trong trường hợp rủi ro, việc khôi phục, phục dựng di sản sẽ thuận lợi hơn do có lưu trữ chi tiết thiết kế, kết cấu, vật liệu của công trình.
HỒNG DƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/gia-tri-cua-hon-cot-di-san-post778476.html