Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh dần khẳng định vị thế
Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Lê Quốc Cường, nhận định cuộc thi Smart City 2024 – Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh có ý nghĩa lớn trong việc khai phá những tiềm năng từ cộng đồng trí thức trẻ và các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực thực hiện định hướng phát triển về xây dựng thành phố thông minh.
Năm nay, cuộc thi thu hút hơn 100 dự án tham gia, trong đó chọn lọc được hơn 60 dự án tiềm năng là startup công nghệ, dự án đến từ một số trường đại học tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Trước thềm chung kết, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao đã tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho các nhóm dự án này.
Ông Cường cho hay, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hiện nay đang dần khẳng định vị thế, được TP.HCM chú trọng triển khai.
Tất cả vì mục tiêu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Từ đó tạo bứt phá về năng suất, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa phát triển bền vững trở thành xu thế phát triển chung của cả nước.
“Các dự án đã tham gia các chương trình huấn luyện về hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh với sự hỗ trợ quý giá từ các chuyên gia đến từ nhiều doanh nghiệp lớn”, ông Cường nói.
‘Website tầm soát bệnh tan máu’, ‘chế phẩm nông nghiệp’ thắng lớn ở Smart City
Các dự án dự thi cũng đã trải qua các vòng thi sơ loại, bán kết để chọn ra các đội thi xuất sắc nhất vào vòng cuối. Vòng chung kết là màn tranh tài giữa các đội thi xuất sắc nhất của bảng lĩnh vực công nghệ và công nghệ sinh học (dự án khởi nghiệp), bảng lắp ráp và lập trình robot (học sinh).
Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM Lê Quốc Cường cho hay điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là sự mở rộng về lĩnh vực dự thi. Bảng thi ứng dụng công nghệ sinh học lần đầu tiên được đưa vào nội dung cuộc thi, qua đó tạo ra sự khác biệt nhờ vào tính ứng dụng cao và khả năng giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị hiện đại.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn có bảng thi dành cho học sinh với chủ đề lắp ráp và lập trình robot. Đây được xem là cách giúp trẻ em tiếp cận sớm với giáo dục STEM, áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Yêu cầu đặt ra trong các bối cảnh cụ thể, kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới.
Tại đây, các đội thi sẽ thuyết trình về sản phẩm, mô hình kinh doanh của dự án trước hội đồng ban giám khảo là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp.
Các dự án được hoàn thiện và phát triển ý tưởng, sản phẩm cùng sự hỗ trợ tham gia chương trình tiền ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
Chung cuộc, giải nhất bảng A sinh viên thuộc về dự án phát triển website tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo với tổng giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Đây là dự án do nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện.
Giải nhất bảng B startup thuộc về dự án sản xuất Probiotics mật độ cao và ứng dụng Probiotics tạo ra chế sẩm sinh học phục vụ cho nông nghiệp bảo vệ môi trường (Công ty TNHH công nghệ sinh học Probiotics, TP Thủ Đức).
Ba giải nhất bảng lắp ráp và lập trình robot thuộc về các đội thi là học sinh Trường tiểu học – THCS – THPT Nam Sài Gòn, Học viện Robot Academy Hóc Môn, Trường THPT Thủ Đức.