SGGP
Trên một con phố nhỏ ngay gần khu mua sắm chính ở khu dân cư Koenji, phía Tây Tokyo, một bức tranh bao phủ bức tường bên hông của một tòa nhà 5 tầng, vẽ con đại bàng khổng lồ màu hồng nhạt dang rộng đôi cánh trên những tán cây tươi tốt, bên dưới là một dòng suối lấp lánh.
Bức tranh tường của bộ đôi nghệ sĩ WHOLE9 ở ga Nakano (Nhật Bản). Ảnh: ASIA NIKKEI |
Con đại bàng khổng lồ này là tâm điểm của bức tranh tường đồ sộ có tên SYNC, do nhóm vẽ WHOLE9, gồm 2 nghệ sĩ, có trụ sở tại Osaka, thực hiện. Đây là một phần của xu hướng nghệ thuật đường phố đang phát triển ở Tokyo và các nơi khác ở Nhật Bản. Những bức tranh tường công cộng này tô điểm cho các bức tường bên ngoài của nhà ga, cửa hàng và cả các tòa nhà công cộng, hay tư nhân… Hầu hết là tác phẩm của những cư dân địa phương. Họ hy vọng mang lại niềm vui cho cộng đồng dân cư, nâng cao niềm tự hào của địa phương, biến nơi mình sống như một trung tâm nghệ thuật có thể thu hút du khách.
SYNC là một phần của dự án Thành phố Tranh tường Koenji, là một tập thể gồm các nghệ sĩ, cư dân…, do nhà sản xuất nghệ thuật Kenji Daikoku quản lý. Đến nay, ở Koenji đã có 11 bức tranh tường ở nhà tắm công cộng, cửa chớp của các cửa hàng và bức tường công cộng chạy dọc sông Momozono, cùng nhiều địa điểm khác. Ở phía Đông của Koenji, phường Nakano cũng đang sử dụng những bức tranh tường như một cách để tăng thêm giá trị văn hóa của khu vực. Daikoku cho biết, ông muốn sử dụng sự sáng tạo của các nghệ sĩ theo cách tốt đẹp để cải thiện xã hội.
Từ lâu, người dân ở Nakano vốn tự hào là nơi có nhiều sự kiện văn hóa, bao gồm các buổi biểu diễn trống taiko, kịch Noh truyền thống, đồng thời là trung tâm manga và anime. Nhưng họ dần cảm thấy khu vực này đã không thành công trong việc tiếp thị sức hấp dẫn của nó như một nơi đáng sống, làm việc và tham quan. Giờ đây, những bức tranh tường đã góp phần truyền bá văn hóa địa phương và xây dựng tinh thần cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, các bức tranh tường được thiết kế để phản ánh các đặc điểm của khu phố mà cư dân địa phương trân trọng và nguyện vọng của họ đối với tương lai của nó. Ví dụ, trong khu phố Nihonbashi của trung tâm Tokyo, các bức tranh tường kết hợp những hình ảnh phản ánh nguồn gốc truyền thống của khu vực từng là một trung tâm thương mại và nghề thủ công từ thời Edo (1603-1867).
Một đặc điểm khác biệt của tranh tường là chúng thường được tạo ra thông qua sự hợp tác giữa các nghệ sĩ và cư dân địa phương. Vẽ tranh tường ở nơi mọi người có thể nhìn thấy chúng, không chỉ là một cách để thu hút du khách, mà còn cung cấp cho các nghệ sĩ một phương tiện để thể hiện bản thân và làm cho nghệ thuật có thể tiếp cận được với cộng đồng. Tính chất đại chúng và khả năng tiếp cận của tranh tường cũng đã đưa nghệ thuật đến gần công chúng hơn và được người dân Nhật – vốn rất kỹ tính và khắt khe – mở lòng ra đón nhận. Đối với người già cũng như trẻ em, trải nghiệm khi cùng nhau sáng tác khiến bức tranh trở thành niềm tự hào.