Chiều 28-3, tại TP Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp và hợp tác xã trong nước, hợp tác xã trên địa bàn năm 2024.
Theo báo cáo, Đồng Nai có hơn 53.500 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh, 467 hợp tác xã và hơn 20.800 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 470.000 tỷ đồng.
Hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc thủ tục đầu tư, vốn để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, lộ trình thực hiện di dời các cơ sở trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp và thủ tục thẩm định về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các sở ngành và UBND tỉnh Đồng Nai trao đổi, trả lời các vấn đề được các doanh nghiệp, hợp tác xã kiến nghị. Trong đó, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai thông tin: Cơ quan công an đang quản lý hơn 5.800 cơ sở, chính quyền cấp xã quản lý khoảng 39.000 cơ sở và có gần 100% cơ sở trong các khu công nghiệp được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Còn việc xây dựng nhà xưởng trái phép tại khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân (TP Biên Hòa) và Cụm công nghiệp Suối Sao (huyện Trảng Bom), cơ quan chức năng không thẩm duyệt thiết kế, vì các cơ sở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại, đầu tư mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ về tài chính, đổi mới nâng cao công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và khai thác tốt thị trường trong nước.
HOÀNG BẮC