Tôi từng có ý định chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sức lan tỏa và hiệu quả sẽ không bằng báo chí chính thống. May sao có cuộc thi viết “Tết nay – Tết xưa”, do Báo Sài Gòn Giải Phóng Điện tử tổ chức, tôi hy vọng đây là phép màu cho tâm nguyện lâu nay.
Tháng Chạp âm lịch năm 1989, trên chuyến xe khách về quê ăn cái tết đầu tiên của đời sinh viên, tôi may mắn được gặp vị cứu tinh.
Đứng lẫn trong hàng trăm người đón xe gần ngã ba Trạm 2 (nay là cầu vượt Trạm 2, TP Thủ Đức – TPHCM), phải chờ rất lâu, tôi mới được lên một chiếc xe khách liên tỉnh, chạy tuyến Bến xe Miền Đông (cũ) – Đà Nẵng. Ngày ấy, lượng xe khách rất ít nên cuối năm về quê rất khó tìm xe.
Ghế ngồi trên xe đều đã kín chỗ, nên tôi phải đứng. Người phụ xe đến thu tiền cước. Anh cho biết sẽ thu của tôi 10.000 đồng cho lộ trình về Bình Định.
Lục tìm trong túi quần, tôi giật mình khi thấy “túi rỗng”. Số tiền ít ỏi 12.000 đồng dùng làm lộ phí đã “không cánh mà bay.” Ngẫm lại, tôi đoán nhiều khả năng bị móc túi trong lúc chờ xe. Thế nhưng, điều quan trọng nhất bây giờ là sẽ về quê bằng gì, khi không còn một xu dính túi.
Tôi và nhà xe đều “lạ hoắc lạ huơ”, chuyện “ghi sổ” như ăn cơm ký túc xá chắc chắn khó xảy ra, vì họ cũng chỉ làm thuê “kiếm cơm”. Dịp tết, đông hành khách đi lại, dĩ nhiên sẽ luôn có người thay thế “chỗ đứng” của tôi. Nếu phải xuống giữa đường, tôi cũng chẳng biết về lại cơ sở 3, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) bằng cách nào.
Không ngờ, một anh có ghế ngồi gần đó phát hiện được xui xẻo của tôi. Anh chủ động vừa đưa tiền, vừa nói với phụ xe: “Tiền xe của em tôi đây!”. Sự việc diễn ra quá nhanh. Chỉ trong chốc lát, tôi từ người lo lắng đã được thở phào nhẹ nhõm.
Sau một hồi rưng rưng cảm động, tôi xin anh cho biết họ tên, địa chỉ để gửi lại tiền qua đường bưu điện. Anh cười nhân hậu: “Cứ yên tâm, anh cũng về Bình Định, sẽ còn đồng hành trên chặng đường dài”. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, tôi biết đây là kế “hoãn binh”. Anh còn đổi vị trí để tôi cũng được ngồi.
Nhiều hành khách trên xe cứ ngỡ chúng tôi cùng quê, quen biết nhau từ trước mà không ngờ rằng đã vô tình được chứng kiến chuyện “cổ tích giữa đời thường”. Chuyến xe khách năm ấy tiếp tục hành trình, chở hơn 50 người mang theo niềm vui sum họp, mang cả những tình người sẻ chia mà chẳng cần phân biệt lạ, quen.
Xe vào một quán cơm gần ngã ba Thành (tỉnh Khánh Hòa) để hành khách dùng bữa và đón, trả khách. Tôi không ngờ rằng đó cũng là lúc anh âm thầm tạm biệt tôi. Anh mời tôi đĩa cơm thịt kho trứng, ăn xong anh nói đi rửa mặt rồi không quay lại nữa. Người phụ xe cho biết anh đã xin lấy hành lý (hồi ấy những kiện hàng cồng kềnh phải chất trên nóc xe), chỉ nghe anh nói rằng: “Đã đến quê tôi”. Hành khách lên xe hết, còn tôi, trong làn mưa xuân lất phất vẫn đứng nấn ná chờ anh.
Nghe tôi kể lại câu chuyện “thi ân không cần báo đáp”, ba mẹ tôi cảm phục và dặn: “Anh ấy không muốn con đền ơn. Con hãy giúp người khác xem như là cách báo đáp ân tình nhận được”. Tôi đón năm mới bên gia đình, nhưng trong lòng vẫn canh cánh bởi chưa kịp biết nhiều về vị “bồ tát sống” đã giúp mình.
34 năm qua, đã hàng chục lần tôi về quê và “khứ hồi”, từ những chiếc xe ghế ngồi ngày trước, đến xe giường nằm êm ái ngày nay. Mỗi khi xe dừng gần nơi anh xuống xe năm xưa, tôi đều cố gắng hỏi thăm người dân bản địa, song vẫn chưa có kết quả.
Lúc trò chuyện trên xe, anh giới thiệu tên là Nghĩa. Do hoàn cảnh gia đình, anh đành nghỉ học sớm để lo cho mẹ và em gái. Ở quê việc ít, người nhiều nên anh vào Sài Gòn mưu sinh. Mỗi năm, anh chỉ về thăm nhà vào dịp tết để tiết kiệm chi phí. Tôi không ngăn được nước mắt khi hiểu rằng bản thân cũng đang vất vả, nhưng anh sẵn sàng bỏ ra số tiền bằng rất nhiều ngày công làm việc, giúp một “người dưng” như tôi.
Anh có em gái tên Nguyệt, rất ham học, đang là nữ sinh lớp 10 và tràn đầy hy vọng trở thành sinh viên. Lúc đó, anh khoảng 25 tuổi và anh tâm sự khi nào “nhỏ em” tốt nghiệp đại học, anh mới tính chuyện lập gia đình.
Tháng 4-2016, tôi được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mời đi thăm Trường Sa. Trên con tàu HQ-571 vượt sóng ra khơi, gặp nhiều bạn đồng hành ở Khánh Hòa, tôi tranh thủ hỏi thăm, mong tìm lại ân nhân, nhưng vẫn không ai biết.
Tôi cũng từng có ý định chia sẻ câu chuyện này trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sức lan tỏa và hiệu quả sẽ không bằng báo chí chính thống. May sao có cuộc thi viết “Tết nay – Tết xưa”, do Báo Sài Gòn Giải Phóng Điện tử tổ chức, tôi hy vọng đây là phép màu cho tâm nguyện lâu nay. Nếu bài viết được đăng, tôi tin rằng dù ở đâu, anh Nghĩa đáng kính của tôi cũng đọc được. Tên tôi có thể anh quên, nhưng câu chuyện này chắc chắn không thể lẫn với muôn ngàn sự việc khác, dù trong cuộc đời anh đã ra tay “nghĩa hiệp” – như tên gọi của anh, giúp vô số người rơi vào cảnh ngặt nghèo.
Mỗi lần nhìn những “Chuyến xe mùa xuân” miễn phí của TPHCM, mang niềm vui đoàn tụ cho sinh viên, công nhân, tôi mừng cho họ và càng nhớ lại “chuyến xe 0 đồng” của cái “tết xưa” tôi được anh Nghĩa “tài trợ”. Nhờ bao tấm lòng nhân ái, nên ai cũng có tết.
THANH BÌNH
Địa chỉ: 62/10 Tân Lập 2, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM
Email: [email protected]