SGGPO
Ngày 15-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latin do Bộ Công thương tổ chức, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ Latin.
Theo đó, chỉ trong vòng 5 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi, từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 (cũng là năm đầu tiên Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latin được tổ chức) lên mức 23 tỷ USD năm 2022. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhất định đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latin đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, điều này là không đáng lo ngại. Ông Mario Schuff, chuyên gia kinh tế, ngoại giao, Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam – Argentina của Phòng Thương mại châu Á cho biết thêm, hiện đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp. Các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile và nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latin.
Các doanh nghiệp Việt đang tăng cường tiếp xúc trực tiếp với các nhà thu mua quốc tế để mở rộng năng lực xuất khẩu |
Cũng tại diễn đàn, đã có gần 30 đoàn doanh nghiệp Mỹ Latin và Việt Nam cùng tham gia phiên kết nối B2B trực tiếp. Các tập đoàn doanh nghiệp khu vực thị trường Mỹ Latin như Coppel (Mexico), Cencosud (Chile), Renner (Brazil)… đã cung cấp những thông tin cần thiết về tiêu chuẩn, số lượng đơn hàng, chủng loại sản phẩm… mà các tập đoàn đang cần doanh nghiệp Việt Nam cung ứng. Các tập đoàn cũng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt định hướng chiến lược phát triển sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu chung của thị trường này trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của mình trong giao dịch thương mại với các nước Mỹ Latin. Trong đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu tập quán tiêu dùng, kênh phân phối và điều kiện địa lý bởi đây là thị trường xa, đòi hỏi thời gian di chuyển dài nên sản phẩm cần có thời gian bảo quản lâu, bao bì đóng gói phù hợp với cách thức tiêu dùng và kênh phân phối ở Mỹ Latin. Riêng về thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam nên mở L/C để hỗ trợ cả 2 phía đầu nhập và đầu xuất.
Hiện Mỹ Latin vẫn luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latin còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…