Doanh nghiệp kỳ vọng, Nhà nước sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, giúp thị trường bất động sản sớm hồi phục trở lại trong năm 2025.
Với hàng loạt dự án bị đình trệ và nguồn cung suy giảm mạnh, các biện pháp quyết liệt hơn đang là điều kiện cần thiết để thị trường hồi sinh và phát triển bền vững trong năm mới.
Nguồn cung khan hiếm vì vướng pháp lý
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn lớn do nguồn cung khan hiếm. Số liệu từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong suốt 11 tháng của năm 2024, thành phố chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó chỉ có một dự án nhà ở xã hội, còn lại là các dự án nhà ở cao cấp. Đây là con số thấp nhất trong nhiều năm qua, phản ánh rõ tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở. Đặc biệt, chỉ có hai dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng và chỉ có bốn dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, với 1.611 căn hộ, giảm mạnh so với các năm trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các Tổ Công tác đã phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương, bao gồm TP Hồ Chí Minh, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cũng nỗ lực tái cấu trúc tổ chức, điều chỉnh cơ cấu đầu tư và sản phẩm để duy trì hoạt động, chờ đợi cơ hội phục hồi. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đến TP Hồ Chí Minh 64 dự án để xem xét giải quyết, trong đó Tổ Công tác chuyên đề của Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức 10 cuộc họp, giải quyết dứt điểm 8 dự án và tiếp tục xử lý 26 dự án còn vướng mắc. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 dự án bất động sản và nhà ở thương mại tại TP Hồ Chí Minh đang bị “vướng mắc pháp lý” chưa được tháo gỡ.
“Những nỗ lực này từ phía các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và sự đồng hành của nhà đầu tư, khách hàng đã góp phần quan trọng giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, bước đầu phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong hai năm qua. Trong năm 2025, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những vướng mắc pháp lý sẽ sớm được tháo gỡ để thị trường phục hồi nhanh hơn”, ông Châu nói.
Vướng mắc pháp lý đang là yếu tố chính cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản. Cơ chế phê duyệt và thủ tục đầu tư còn nhiều phức tạp, khiến việc triển khai các dự án bị kéo dài. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng tình trạng ách tắc trong việc giao đất, cho thuê đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng vẫn còn tồn tại. Quá trình kéo dài này không chỉ khiến các chủ đầu tư mất thời gian và chi phí, mà còn làm giảm sức hút của thị trường đối với các nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án bất động sản gặp khó khăn trong việc triển khai. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh hiện đang có một sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm. Các dự án nhà ở cao cấp chiếm lĩnh thị trường, trong khi các sản phẩm nhà ở trung cấp, nhà ở bình dân hầu như không có sự xuất hiện mới. Điều này dẫn đến sự thiếu thốn các căn hộ phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân, đặc biệt là các gia đình có thu nhập trung bình và thấp.
Cần ưu tiên cải cách thủ tục hành chính
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để gỡ khó cho các dự án bất động sản chính là cải cách thủ tục hành chính. Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, thủ tục hành chính hiện tại đối với các dự án bất động sản còn quá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Mặc dù thời gian cho các thủ tục hành chính đã được quy định là 310 ngày, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp phải chờ đợi lâu hơn rất nhiều. Có những dự án phải mất đến hàng năm trời chỉ để hoàn thành các thủ tục hành chính cơ bản như phê duyệt quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, và cấp phép xây dựng.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp phải đối mặt, cản trở không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản vốn đã chịu nhiều áp lực từ chính sách và thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cũng cho rằng các vướng mắc trong thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng không chỉ là trở ngại lớn nhất mà còn là nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều dự án bất động sản đình trệ, làm gia tăng chi phí và kéo dài thời gian triển khai, gây áp lực nặng nề lên doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầy thách thức hiện nay.
Hoạt động M&A (Mua bán và sáp nhập dự án) là một trong những giải pháp quan trọng để giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn tài chính. Tuy nhiên, theo luật Kinh doanh bất động sản 2024, việc chuyển nhượng dự án chỉ được phép thực hiện khi chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, điều này khiến nhiều dự án “trùm mền” khó có thể được chuyển nhượng và tiếp tục triển khai.
Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn này, Nhà nước cần có sự điều chỉnh trong quy định pháp lý để cho phép các chủ đầu tư có thể chuyển nhượng dự án mà không cần phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư có thể tái cơ cấu lại các dự án, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp khác có khả năng triển khai và hoàn thành dự án. Đồng thời, việc này cũng sẽ giúp tạo ra dòng tiền cho các doanh nghiệp để họ có thể vượt qua khó khăn tài chính.
Một yếu tố không thể thiếu trong quá trình tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và các doanh nghiệp. Nhà nước đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhưng để thực sự tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường lắng nghe và tiếp nhận ý kiến từ các doanh nghiệp nhiều hơn.
Theo Sơn Nghĩa/VTV