SGGP
Dù đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã ngăn chặn đà suy thoái, giữ được đà tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước.
Du khách mua sắm đêm tại chợ Bến Thành, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
Gam màu sáng cho kinh tế địa phương
Thời gian qua, quận Bình Tân tiếp tục triển khai tổ công tác hỗ trợ đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn quận. Trong đó, tổ chức các hội nghị tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kết nối ngân hàng – doanh nghiệp ký kết vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn quận đã giải ngân các gói tín dụng ưu đãi cho 9.653 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, với số vốn hơn 22.670 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện được hơn 2.906 tỷ đồng, đạt 80,7% chỉ tiêu và tăng 1,29% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất 9 tháng năm 2023 ước đạt 75.838 tỷ đồng, tăng 10,48% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trên địa bàn quận có 6.467 đơn vị kinh tế đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 11.285 tỷ đồng.
Trong khi đó, 9 tháng năm 2023, quận 10 có hơn 13.372 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 160.820 tỷ đồng, trong đó đăng ký mới là 1.119 doanh nghiệp. Thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm 2023 ước đạt hơn 1.950 tỷ đồng (bằng 82,79% so với dự toán thành phố giao là 2.356 tỷ đồng).
Tại quận 6, bức tranh kinh tế địa phương cũng khởi sắc khi tổng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ trong 9 tháng năm 2023 tăng 9,36% so với cùng kỳ (ước đạt hơn 47.634 tỷ đồng). Tổng doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ ước đạt hơn 346.068 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, quận tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tập trung phát triển các phố chuyên doanh, tuyến đường thương mại – dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng ủy, UBND 14 phường trong việc chỉ đạo, triển khai xây dựng các tuyến đường chuyên doanh, thương mại – dịch vụ.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, từ tháng 4 đến nay, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc và tiếp tục giữ được đà phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM tăng nhẹ, phù hợp với mức cải thiện hàng tháng. Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định, sẽ có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí… Bên cạnh đó, tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quý và khởi sắc hơn trong 8 tháng, kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà, do tác động từ việc tăng lương cơ sở.
Từ đó, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đặt ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2023 là 6,08%, 6,47% và 7,46%. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước như hiện nay, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ rơi vào kịch bản 6,08%.
Công nhân Công ty TNHH may mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) kiểm tra sản phẩm. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Để khai thác tối đa những động lực, khắc phục khó khăn, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất thành phố cần có quyết sách mang tính đột phá từ cấp lãnh đạo để thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gắn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 với quy hoạch chung TPHCM và quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2030.
Thành phố cũng cần quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa; liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phục hồi niềm tin của doanh nghiệp.
TPHCM tập trung cải thiện chỉ số PAPI và PAR Index
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản chỉ đạo về việc cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành theo kế hoạch cải thiện các chỉ số của TPHCM và của đơn vị đề ra; tiếp tục duy trì hiệu quả đối với các nhiệm vụ đã hoàn thành.
Cùng với đó là thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính của cán bộ, công chức. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đổi mới phương thức tương tác, tuyên truyền đến người dân về kết quả và các biện pháp, giải pháp mà các cấp chính quyền thành phố đã, đang nỗ lực triển khai thực hiện để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.
Sở TT-TT được giao khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố; tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện số hóa hồ sơ phục vụ lưu trữ điện tử. Sở Nội vụ phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện dự báo chỉ số cải cách hành chính thành phố năm 2023; theo dõi, cập nhật tiến độ thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số PAR Index và chỉ số PAPI.
NGÔ BÌNH