SGGP
Bảo tàng Lịch sử TPHCM cùng Hội Cổ vật TPHCM phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản và ký ức – Bức tranh từ những mảnh ghép”, với gần 170 hiện vật về gốm sứ Việt Nam và gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc qua các triều đại trong lịch sử.
Dĩa gốm sứ Chu Đậu, thời Lê – thế kỷ 15 |
Đây là cuộc trưng bày về gốm sứ với quy mô lớn, lần đầu tiên tại TPHCM, có sự góp mặt của 27 nhà sưu tập đến từ nhiều tỉnh, thành phố như: TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam Định, Hà Nội… Hiện vật được tuyển chọn và trưng bày thể hiện thông điệp từ quá khứ đã được lưu giữ đến hiện tại. Qua đó, giúp cho công chúng và những người yêu cổ vật tìm thấy những ký ức của mình qua những câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về những tri thức lịch sử văn hóa được chuyển tải bởi “những mảnh ghép di sản”.
Chuyên đề lần này giới thiệu đến công chúng những cổ vật đặc sắc, với nhóm chủ đề gốm Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn có niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20 với nhiều loại hình: đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ dùng trong thưởng ngoạn (uống trà, uống rượu). Và gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc, Pháp sản xuất từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 gồm các loại hình: chén, bát, đĩa, bộ đồ trà, bộ đĩa chén trà, thố, nậm… đa dạng về hoa văn, họa tiết trang trí với men ngọc và men xanh trắng.
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Vào thời Nguyễn (1802-1945), bên cạnh những lò gốm của triều đình chuyên sản xuất gạch ngói, gạch trang trí để phục vụ cho việc xây dựng kinh thành Huế, ở các địa phương cũng tồn tại nhiều làng gốm đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi của người dân. Khu vực miền Nam có sự xuất hiện của các dòng gốm mới như: Sài Gòn, Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). Các dòng gốm này có màu men đa dạng và kỹ thuật thể hiện sự kết hợp giữa nghệ nhân gốm Việt Nam và Trung Quốc. Các loại hình sản phẩm của ba dòng gốm này rất phong phú, như: gốm gia dụng (chén, bát, đĩa, siêu, khạp, lu, hũ…), gốm thờ cúng (lư hương, lư trầm, tam sự, ngũ sự, tượng thờ) và gốm trang trí mỹ thuật (đôn, chậu, tượng trang trí, quần thể tiểu tượng…). Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu về nghệ thuật gốm Việt Nam thời Nguyễn”.
Chăm chú quan sát các họa tiết rồng trong những hiện vật gốm sứ Việt Nam sản xuất phục vụ việc thờ cúng, anh Trần Hoàng Thanh Tùng (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Tôi ấn tượng với họa tiết song long kiểu “Lưỡng long chầu ngọc”, rồng kiểu “giáng long” (rồng bay xuống), thân rồng uốn lượn vắt từ hai mặt bên ra phía trước, hai mặt rồng chầu trái châu gắn ở chính giữa mặt trước, thân lư giật cấp nhiều tầng đúc nổi văn bán công… Đúng là tài hoa của người xưa để lại còn nhiều điều để mình học hỏi”.