Nội dung trên được ông Khương Văn Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024, tổ chức sáng 26/6 tại TP.HCM.
Theo ông Cương, năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận các chỉ số tích cực với doanh thu hợp nhất đạt 6.622 tỷ đồng, tăng 50,5% so với năm 2022.
Trong đó, doanh thu dịch vụ và xây lắp đạt 6.358 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 264 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 52% và trên 22% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỷ đồng, tăng 53,22% so với năm 2022.
Đến 31/12/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Đèo Cả đạt hơn 36.780 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 4.206 tỷ đồng. Đơn vị đã thực hiện chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 4% vốn điều lệ, tương đương trên 168 đồng.
Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả đặt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.956 tỷ đồng, tăng 35,25% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, ngay trong quý 1/2024, doanh thu đã đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 121,52% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, tăng trưởng 39,67% so với quý I/2023.
Nói về hoạt động đầu tư, ông Cương cho biết, liên doanh của Tập đoàn Đèo Cả vừa hoàn thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, đưa vào vận hành vào cuối tháng 4/2024.
Hiện đơn vị đang thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng (khởi công vào tháng 1/2024) và cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng (khởi công vào tháng 4/2024).
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nhận định, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc và định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước năm 2045.
Trước dư địa phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, Tập đoàn Đèo Cả kiên định chiến lược tăng trưởng tập trung, xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn ngắn hạn – trung hạn – dài hạn, phát triển mạnh cả về quy mô và số lượng dự án.
Trong đó, với hoạt động đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án Tân Phú – Bảo Lộc, TP.HCM – Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng, và dự án đường sắt Việt – Lào đoạn Vũng Áng – Mụ Giạ, giá trị hơn 47.600 tỷ đồng.
Về hoạt động thi công, Đèo Cả tiếp tục thực hiện khối lượng công việc lớn trên đại công trường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, với tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng.
Cùng với đó là thi công tại các tuyến cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong, Tuyên Quang – Hà Giang, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hoà, Vành đai 3 TP. HCM, nút giao Tân Vạn, 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM… với tổng giá trị thực hiện gần 15.000 tỷ đồng.
Về hoạt động quản lý vận hành, với năng lực kinh nghiệm, máy móc thiết bị hiện đại – chuyên dụng, trong thời gian tới Đèo Cả tiếp tục đấu thầu để trở thành đơn vị quản lý vận hành các tuyến đường và các hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.
Để tham gia đầu tư gần 400km đường cao tốc và dự án đường sắt trong bối cảnh các nguồn lực có hạn, Tập đoàn Đèo Cả sáng tạo, sử dụng mô hình PPP++ để đa dạng các nguồn vốn, tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Trong đó, P1++ là vốn ngân sách (bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương), P2++ là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chính danh và nhà đầu tư thứ cấp, P3++ là vốn huy động từ tổ chức tín dụng, hợp tác kinh doanh, trái phiếu,…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Với quan điểm “Con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn”, Đèo Cả luôn chú trọng các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và văn hóa doanh nghiệp.