Không phải ngẫu nhiên mà chuỗi talkshow của chương trình Việt Nam Xanh năm nay lại bắt đầu với chủ đề “Rác phân loại đúng – Rác là tài nguyên” và tiếp nối bằng câu chuyện “Doanh nghiệp và giải pháp phát triển bền vững”.
Thực hành ESG mạnh mẽ trong doanh nghiệp
Bởi vì đúng như thông điệp của H’Hen Niê: Để hướng tới Việt Nam Xanh, đạt được mục tiêu NetZero mà Chính phủ đặt ra thì mọi người phải cùng làm, từng doanh nghiệp, từng người dân phải cùng làm để hướng đến mục tiêu chung.
Tại talkshow, bà Nguyễn Trình Thùy Trang – phó tổng giám đốc Coteccons – cho hay Coteccons cam kết ứng dụng các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình.
Trong đó nhà thầu này đã tích cực triển khai nhiều giải pháp ESG, từ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon, đến áp dụng mô hình 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế).
Theo bà Trang, những nỗ lực này còn lan tỏa đến các đối tác và nhà thầu phụ của Coteccons, những đơn vị không chỉ có cùng cam kết bảo vệ môi trường với doanh nghiệp mà còn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.
Trong các hoạt động của Coteccons, Giải chạy GreenUP Marathon: Long An Half Marathon 2024 do Coteccons phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị tổ chức cũng đã mang lại những kết quả tích cực.
Qua đó đề cao việc tận dụng tối đa vật liệu tái chế từ vật liệu xây dựng nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng các vật liệu một lần, đồng thời các runner cũng trở thành đại sứ lan tỏa lối sống xanh, góp vào quỹ trồng cây của GreenUP Marathon.
Ông Chaturon Thipphiansak – phó tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam – đã chia sẻ về hàng loạt giải pháp mà công ty này đang nỗ lực thực hiện nhằm mục tiêu cắt giảm carbon.
Trong đó các công ty thành viên thuộc Tập đoàn SCG cùng thực hiện nguyên tắc 3G: Green People (Con người xanh), Green Process (Quy trình xanh) và Green Products (Sản phẩm xanh).
Song hành với các hoạt động trồng 1 tỉ cây xanh, khuyến khích từng nhân viên thực hành sống xanh, SCG đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ để giảm phát thải carbon, tận dụng năng lượng sinh khối thay cho nhiên liệu hóa thạch, giảm thất thoát năng lượng với hệ thống thu nhiệt thải trong quá trình sản xuất, lắp điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy sản xuất.
Đặc biệt, công ty cũng nghiên cứu sản xuất ra các dòng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, trong đó có dòng xi măng xanh, ngói màu SCG đạt chứng nhận Singapre Green Label hay sản phẩm gạch siêu mỏng, nhẹ giúp giảm tiêu thụ vật liệu và năng lượng lên đến 40%.
Với ngành hóa dầu và bao bì, SCG cũng đạt được những bước tiến mới trong tiến trình xanh hóa khi tập trung vào các giải pháp polymer thân thiện môi trường giúp giảm thiểu sử dụng vật liệu và có thể tái chế tốt hơn, có khả năng phân hủy thành các chất lành tính với môi trường như nước, sinh khối và các hợp chất hữu cơ…
Một doanh nghiệp khác là INSEE Việt Nam cũng giới thiệu đến người tham dự rất nhiều giải pháp xanh hóa của đơn vị này.
Bà Nguyễn Thị Trốn – trưởng phòng quản lý môi trường và tuân thủ – cho biết 100% các sản phẩm xi măng của INSEE đã được cấp chứng nhận “Nhãn Xanh” từ Hiệp hội Công trình xanh Singapore (SGBC) – một tổ chức uy tín trong lĩnh vực đánh giá các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trong nhiều năm qua, công ty này cũng đã liên tục tìm kiếm các giải pháp vật liệu thay thế, tận dụng phụ phẩm tro bay, tro xỉ từ sản xuất thép, nhiệt điện; áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt từ lò nung giúp giảm 20% lượng điện từ lưới điện quốc gia…
Đến nay, INSEE Việt Nam là đơn vị sản xuất xi măng đầu tiên tại Việt Nam được trao Chứng chỉ Tuyên bố Môi trường quốc tế (EPD) từ tổ chức EPD – Thụy Điển.
Đây là một trong những chứng nhận uy tín và khắt khe nhất hiện nay, đòi hỏi các sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về giảm thiểu tác động đến môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, từ khâu sản xuất, sử dụng đến khi tái chế.
Chia sẻ về nỗ lực giảm phát thải từ đơn vị, ông Lê Viết Đông Hiếu – trưởng phòng phát triển bền vững, Công ty nhựa Duy Tân – cho biết năm 2021 công ty đã triển khai xây dựng nhà máy tái chế nhựa, trở thành công ty tiên phong về kinh tế tuần hoàn khi thu gom chai nhựa, tái chế thành chai nhựa mới.
Hiện nhà máy đang thu gom 92.900 tấn rác thải nhựa, tương đương 7,1 tỉ chai nhựa. Mục tiêu hướng đến là thu gom 100.000 tấn nhựa mỗi năm để tăng số lượng chai nhựa thu hồi.
Phân loại rác tại nguồn là chìa khóa cho tái chế, để Việt Nam xanh
Cũng theo ông Lê Viết Đông Hiếu – đại diện của Nhựa Duy Tân, để những nhà máy tái chế chai nhựa mà Duy Tân đang vận hành có thể hoạt động được thì phân loại rác tại nguồn là chìa khóa. Bởi có phân loại rác thì mới có tái chế.
Đây là lúc cần đến vai trò của mỗi người tiêu dùng, mỗi người dân, là những người trực tiếp sử dụng sản phẩm và phân loại rác tại nhà.
Đương kim hoa hậu Môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà chia sẻ rằng cô quan sát thấy việc phân loại rác tại các trường học và tại gia đình vẫn chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, một khó khăn ở những người trẻ như cô là làm thế nào để hạn chế đặt đồ ăn bên ngoài thông qua các ứng dụng.
Tôi đôi lúc tự thấy mình lạm dụng công nghệ mà quên đi bữa ăn gia đình và với thói quen đặt đồ ăn đã để lại rất nhiều rác thải nhựa sau mỗi bữa ăn. Thời điểm COVID-19, khi hàng quán đóng cửa hết, tôi bắt đầu tự nấu ăn và điều đó giúp tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế rất nhiều rác thải nhựa.
Hoa hậu Thanh Hà
Tham gia Ngày hội Việt Nam Xanh, hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê chia sẻ rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là một hành trình cần có sự đồng hành và nỗ lực của cả cộng đồng.
Theo cô, việc bảo vệ môi trường và lối sống xanh không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là sứ mệnh của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong xã hội. “Mỗi người đều có vai trò trong việc xây dựng một tương lai bền vững, hướng đến cơ hội có một môi trường sống tốt hơn cho các thế hệ mai sau”, cô chia sẻ.
Đặc biệt, H’Hen kêu gọi giới trẻ cùng chung chí hướng, bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất như hạn chế túi ni lông khi đi chợ hay mua sắm, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng xanh như trồng rừng, bảo vệ thiên nhiên.
Cô đưa ra hình ảnh cuối năm: Sau những màn pháo hoa lộng lẫy là cảnh bãi rác ngổn ngang – một cảnh tượng mà chúng ta nếu chung tay và có ý thức hơn sẽ dễ dàng thay đổi.
H’Hen cũng khuyến khích các bạn trẻ chủ động tìm hiểu để hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Mỗi miền đất Việt Nam đều là ngôi nhà chung của chúng ta. Trách nhiệm giữ cho đất nước xanh, sạch, đẹp là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Hoa hậu H’Hen Niê
Tại talkshow chủ đề “Rác phân loại đúng – Rác là tài nguyên”, anh Nguyễn Lương Ngọc – chủ nhiệm CLB Sài Gòn Xanh – với hoạt động thu gom rác, biến các con kênh đầy rác thành dòng kênh xanh cho biết họ đã liên tục chia sẻ các video thu gom rác trên các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa ý thức sống xanh đến cộng đồng.
“Đến nay đã có hơn 3 tỉ lượt xem các video này cùng với con số hơn 3.000 tấn rác trên 300 kênh rạch ở địa bàn TP.HCM được thu gom.
Sài Gòn Xanh cũng đưa ra sáng kiến làm các phao chắn rác từ đầu nguồn để từ đó phân chia rác, giúp người dân tại chỗ hình dung được việc dọn rác thải là khó khăn như thế nào và từ đó có cảm xúc cho riêng họ về việc vứt rác bừa bãi”, anh chia sẻ.