Theo đánh giá của giáo viên, so với đề thi chính thức năm 2023 và đề thi tham khảo, đề thi chính thức năm 2024 có độ khó tương đương. Tuy nhiên, nội dung đề thi Lịch sử năm nay có điểm mới, như câu 32, 37 mã 309, cho học sinh đoạn tư liệu và yêu cầu dựa vào đoạn tư liệu để trả lời câu hỏi.
Dạng câu hỏi này được giáo viên của Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá là tiệm cận với cách ra đề thi năm 2025 (theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngày 29/12/2023).
Đề thi Lịch sử có 90% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 – bao gồm 2 câu hỏi phần lịch sử Việt Nam và 2 câu phần lịch sử thế giới.
Đề thi có tỷ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao tương đương đề thi tham khảo năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng có tính phân loại cao do độ khó của các câu vận dụng cao tăng lên.
80% câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản, độ nhiễu giữa các phương án không cao, thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng. Bên cạnh đó vẫn xuất hiện dạng câu hỏi liên quan đến xác định vị trí của quốc gia, hoặc phong trào cách mạng (liên quan đến kiến thức Địa lý), thí dụ câu 9, câu 15 (mã 309).
20% câu hỏi thuộc phần vận dụng, vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.
Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh dạng bài so sánh (4 câu: 31, 34, 39, 40 mã 309), liên chuyên đề (câu 29 – mã 310), liên hệ kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng.
“Đặc biệt, có 3 câu hỏi về các nội dung liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở các giai đoạn khác nhau, trong chương trình Lịch sử lớp 12 mới, nội dung liên quan đến Hồ Chí Minh cũng là một trong những chuyên đề quan trọng, thể hiện sự tiệm cận về nội dung với chương trình học và đề thi năm tới” – giáo viên nhận định.
Nguồn: https://nhandan.vn/de-thi-lich-su-xuat-hien-cau-hoi-tiem-can-cach-ra-de-moi-post816606.html