Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng: “Chúng tôi thất vọng về việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường”. Ảnh: Bộ Ngoại giao
TTXVN đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ từ ngày 31.7 đến ngày 4.8, tại Thủ đô Washington D.C, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đoàn công tác đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đối tác Mỹ.
Về việc Bộ Thương mại Mỹ thông báo chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ Việt Nam rất lấy làm tiếc và thất vọng về điều này bởi trong thời gian qua, C đầu tư giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có; hai nước cũng đã có những nỗ lực to lớn trong việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện; Việt Nam đã đáp ứng được tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi, Mỹ cần đánh giá một cách khách quan, tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Về phần mình, Bộ Công Thương Việt Nam tuyên bố, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…
Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 Hiệp định thương mại tư do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.
Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Mỹ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Mỹ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.
Ngày 3.8, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng nêu rõ: “Chúng tôi thất vọng về việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”.
Trong thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Thương mại Mỹ cung cấp nhiều lập luận thuyết phục khẳng định kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Mỹ. Điều này cũng được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia Mỹ và quốc tế ủng hộ.
Trên thực tế, đến nay, đã có 72 quốc gia đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao.
“Trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chia sẻ.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-my-danh-gia-khach-quan-tien-toi-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong-1376010.ldo