SGGP
Trong một báo cáo công bố mới đây về 500 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lớn nhất Việt Nam (VPE500) trong giai đoạn 2020-2021, nhóm nghiên cứu Viện Chiến lược phát triển và Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (Đức) cho biết, trong 2 năm, có tới 158 doanh nghiệp rời khỏi nhóm, tương đương 31,6%.
Các doanh nghiệp rời nhóm tập trung vào những ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 như bất động sản và xây dựng (23/89 doanh nghiệp), thương mại (15/73 doanh nghiệp), dệt may (7/32 doanh nghiệp), chế biến thực phẩm (9/70 doanh nghiệp).
Đại dịch cũng làm giảm quy mô lao động của doanh nghiệp. So với năm 2019, quy mô lao động trung bình/doanh nghiệp năm 2020 đã giảm 4,13%, trong đó nhóm doanh nghiệp nhà nước giảm 2,7%, nhóm có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm tới 13,8%, và DNTN giảm 3,8%. Báo cáo cũng cho biết, VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các DNTN trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước.
Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE500 làm tăng đầu tư của DNTN trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo. Mặt khác, trong giai đoạn 2019-2021, nhóm 500 DNTN lớn trong nước dù chỉ chiếm 0,075% số DNTN cả nước nhưng đóng góp 12% lao động, 28% tổng tài sản và 18,4% doanh thu.
Những phân tích về VPE500 và quan hệ với DNTN trong nước nêu trên cho thấy, cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các DNTN lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài, làm tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Các chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Muốn xây dựng DNTN dẫn dắt thị trường, Chính phủ phải đưa ra chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu; có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên doanh, liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Bên cạnh đó, cần có chính sách nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các DNTN hàng đầu dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.