(HCM CityWeb) – Chiều 15/11, tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí Thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long chủ trì Hội nghị giao ban với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ của đề án 06/CP.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị |
Tham dự Hội nghị, về phía lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh có Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy và lãnh đạo các sở, ngành.
Phía khách mời là lãnh đạo Bộ ban ngành Trung ương, địa phương có: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Trung Hồ.
Dự trực tuyến tại các điểm cầu là lãnh đạo các 08 tỉnh: UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Nam Định, UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Bình Phước
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đánh giá tổng thể kết quả triển khai Đề án 06/CP của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, về dịch vụ công: 07 địa phương có điểm đánh giá đạt loại tốt (Bình Phước – 87/100; Thái Nguyên – 84,5/100; Bình Dương – 83,2/100; Thanh Hóa – 82,7/100; Kiên Giang – 82,3/100; Nam Định – 82,3/100; Quảng Nam – 80/100).
Hai địa phương đạt điểm khá là Phú Thọ (77,6/100 điểm), Ninh Thuận (71/100 điểm).
Ba địa phương đạt điểm trung bình gồm: Thái Bình: 66,6/100 điểm – đứng thứ 55/63 toàn quốc; Đồng Nai: 65,8/100 điểm – đứng thứ 56/63 toàn quốc; Thành phố Hồ Chí Minh 65,2/100 điểm – đứng thứ 58/63 toàn quốc.
Về Tỷ lệ số hóa hồ sơ, có 08 địa phương có điểm đánh giá khá và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử tương đối tốt: Thanh Hóa: 19,8/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 5,70%, đứng thứ 1/63 toàn quốc; Bình Dương: 18,2/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 88,7%, đứng thứ 6/63; Bình Phước: 17,9/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 78,21%, đứng thứ 07/63; Thái Nguyên: 17,1/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 69,11%, đứng thứ 15/63; Phú Thọ: 16,6/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 85,92%, đứng thứ 20/63; Nam Định: 16,3/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 79,3%, đứng thứ 26/63; Quảng Nam: 16,2/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 83,83%, đứng thứ 30/63 toàn quốc; Kiên Giang: 16,2/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 72,29%, đứng thứ 31/63; Thái Bình: 15,5/22 điểm, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 72,23%, đứng thứ 41/63.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy báo cáo tình hình triển khai đề án 06 tại Thành phố |
Ba địa phương có điểm đánh giá thấp và tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử thấp gồm Ninh Thuận; Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Về triển khai 02 TTHC liên thông, Địa phương có số lượng hồ sơ nhiều: Thanh Hóa (khai sinh: 19.000 hồ sơ, khai tử: 4.513 hồ sơ – đứng thứ 2 toàn quốc); Nam Định (khai sinh: 9.310 hồ sơ, khai tử: 2.880 hồ sơ – đứng thứ 4 toàn quốc)
Địa phương có số lượng hồ sơ thấp gồm: Đồng Nai (khai sinh: 2.284, khai tử: 454 hồ sơ – đứng thứ 45 toàn quốc); Bình Phước (khai sinh: 679 hồ sơ, khai tử: 138 hồ sơ – đứng thứ 58 toàn quốc).
Về số hóa dữ liệu, đối với Dữ liệu hộ tịch, tính đến ngày 11/11/2024, trên toàn quốc đã có 15 địa phương hoàn hành, 18 địa phương cơ bản đã hoàn thành, trong đó: Thành phố Hồ Chí Minh đã số hóa 12,8 triệu hồ sơ (tỷ lệ 100%); Tỉnh Bình Dương cơ bản hoàn thành số hóa với 1.070.426 dữ liệu (tỷ lệ 100%) và 10 địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024: Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai, Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam, Thanh Hóa
Đối với Dữ liệu đất đai, 03 địa phương (Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên) là 03/16 địa phương đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai. Tỉnh Bình Dương cơ bản hoàn thành số hóa: 814.438/896.556 dữ liệu đất đai (đạt tỷ lệ 90,84%) của 9 đơn vị cấp huyện.
Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về số hóa dữ liệu và tái sử dụng kết quả số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực cư trú và đất đai |
08 địa phương chưa hoàn thành số hóa dữ liệu gồm: Bình Phước: Đồng Nai, Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về công tác triển khai Sổ sức khỏe điện tử, trên cơ sở triển khai tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID tại 63/63 địa phương, UBND 12 đơn vị đã có kết quả triển khai cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh tích hợp 1.086.568 sổ – đứng thứ 2 toàn quốc; Nam Định tích hợp 502.803 sổ – đứng thứ thứ 3; Thanh Hóa tích hợp 360.362 sổ – đứng thứ thứ 10; Đồng Nai tích hợp 356.719 sổ – đứng thứ thứ 11; Bình Dương tích hợp 326.811 sổ – đứng thứ 12; Kiên Giang tích hợp 275.152 sổ – đứng thứ thứ 17; Thái Bình tích hợp 250.884 sổ – đứng thứ thứ 20; Phú Thọ tích hợp 166.979 sổ – đứng thứ thứ 31; Bình Phước tích hợp 135.809 sổ – đứng thứ thứ 40; Thái Nguyên tích hợp 128.294 sổ – đứng thứ thứ 43; Quảng Nam tích hợp 109.193 sổ– đứng thứ 53; Ninh Thuận tích hợp 64.880 sổ – đứng thứ 61.
Đối với các cơ sở KCB đã liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT của BHXH, theo thống kê của BHXH, tính đến ngày 05/11/2024, đã có 07 địa phương hoàn thành 100% (Ninh Thuận, Bình Phước, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định,, Bình Dương, Kiên Giang).
05 địa phương vẫn còn các cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng BHYT chưa hoàn thành đẩy dữ liệu lên cổng giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội gồm: Đồng Nai (còn 13 cơ sở), Thành phố Hồ Chí Minh (còn 33 cơ sở), Thái Bình (còn 01 cơ sở), Thanh Hóa (còn 06 cơ sở), Quảng Nam (còn 03 cơ sở).
Về Cấp phiếu lý lịch tư pháp, đã có 47 địa phương trên toàn quốc chính thức triển khai cấp phiếu Lý lịch Tư pháp trên ứng dụng VNeID, cụ thể: 07 địa phương đã chính thức triển khai (Thanh Hóa, Nam Định, Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận). Tỉnh Bình Phước đã hoàn thành thử nghiệm, sẽ chính thức triển khai từ ngày 01/11/2024. 04 địa phương còn lại đang tiến hành thử nghiệm gồm: Thái Bình, Đồng Nai, Thái Nguyên, Kiên Giang.
Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện khiến một số chỉ tiêu chưa đạt như: tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính,… do một số nguyên nhân như: Trách nhiệm của người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, chưa kịp thời phát hiện, báo cáo khắc phục khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố mới kết nối ổn định với Hệ thống của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Các Bộ, ngành còn lại vẫn chưa kết nối được, vì vậy, Thành phố vẫn đang tiếp tục đề xuất triển khai kết nối.
Thời gian đồng bộ dữ liệu về cho TP đối với TTHC thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành còn chậm như Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương, Khoa học và Công nghệ,
Tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Thành phố còn thấp. Thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến 976/1900 TTHC (trong đó 494/1900 TTHC không phát sinh hồ sơ trong 03 năm liên tục).
Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy kiến nghị, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giải quyết TTHC về cho Thành phố theo thời gian đề xuất là định kỳ hàng tháng. (Hiện nay Thành phố có một số TTHC đang thực hiện giải quyết trên Cổng của Bộ (KHĐT, GTVT, KHCN…) nhưng tỷ lệ chia sẻ đồng bộ dữ liệu giải quyết TTHC về địa phương còn chậm).
Các Bộ, ngành Trung ương công bố danh mục TTHC thực hiện số hóa thành phần hồ sơ theo quy định để Thành phố địa phương hóa việc triển khai thực hiện.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công của Thành phố theo Nghị quyết số 108/CP của Chính phủ, Thành phố kiến nghị các Bộ, ngành trung ương quan tâm, tạo điều kiện kết nối đường truyền, chia sẻ dữ liệu để triển khai thực hiện mô hình một cấp theo quy định.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính toàn cầu.
Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số, mà nòng cốt là triển khai Đề án 06. Bộ Công an đã theo dõi sát, đôn đốc, làm việc rất trách nhiệm trong triển khai Đề án 06. Những kết quả tích cực bước đầu đạt được đã phần nào thể hiện được sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng nêu rõ, qua theo dõi của Tổ công tác triển khai Đề án 06, vẫn còn một số địa phương chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc triển khai các mô hình điểm còn mang tính hình thức, chưa có kết quả rõ nét; chưa phát huy tốt vai trò của Đề án 06 đối với phát triển kinh tế-xã hội và quản lý xã hội. Một số địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Nhiều cơ chế, chính sách cho triển khai Đề án 06 còn thiếu, cần phải sớm bổ sung, hoàn thiện;…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành địa phương phát huy những kết quả đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng cần quân tâm hơn nữa đến công tác tập huấn, bố trí nguồn lực, bổ sung và hoàn thiện các danh mục, tiêu chí thuộc lĩnh vực của bộ, ngành mình để tạo các điều kiện thuận lợi các địa phương trong triển khai thực hiện; kịp thời tháo gõ những vướng mắc cho các địa phương thuộc phạm vi, lĩnh vực của bộ, ngành mình quản lý.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị, các địa phương cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong kế hoạch chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng trên tinh thần bám sát kế hoạch, có lộ trình, giải pháp khả thi trong thực hiện.
Báo cáo của Bộ Công an cũng đã chỉ rõ những địa phương còn triển khai chậm, hoặc còn triển khai yếu, thiếu các nội dung. Vì vậy, các địa phương cần hết sức lưu ý rà soát và sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả, triệt để trong quá trình triển khai thực hiện Đề án thời gian tới.
*Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về số hóa dữ liệu và tái sử dụng kết quả số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực cư trú và đất đai; ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Kiên Giang trong thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố Phú Quốc; ra mắt ứng dụng liên kết với VNeID của TP.Hồ Chí Minh.
ZUKI
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/-ay-nhanh-tien-o-trien-khai-tiep-tuc-tao-buoc-chuyen-bien-can-ban-trong-trien-khai-thuc-hien-e-an-06?redirect=%2Fchinh-quyen