Theo thống kê, cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị (chiếm 36%). Mỗi năm, có khoảng hai triệu học sinh, sinh viên được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, cơ sở Đoàn và đoàn viên trong khối giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế cả về “số và chất” nếu so với tổng thể lực lượng, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị (chiếm 36%). Mỗi năm, có khoảng hai triệu học sinh, sinh viên được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Số liệu tháng 5/2024 từ phần mềm Quản lý đoàn viên của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho thấy, số đoàn viên chỉ chiếm hơn 13% tổng số học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gần 51% tổng số học sinh, sinh viên có đào tạo dài hạn.
Thời gian qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm triển khai tương đối đồng đều. Các phong trào thanh niên tình nguyện và các hoạt động đồng hành tổ chức tốt, nhìn chung thu hút được đoàn viên, học sinh, sinh viên.
Điển hình, tại Trường trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh), cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã luôn quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Chấp hành Đoàn thực hiện tốt công tác Đoàn và phong trào thanh niên thông qua chương trình “Học sinh 3 rèn luyện”.
Nhằm tạo môi trường, khơi dậy ý thức, trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng, Đoàn trường thường xuyên tổ chức các mô hình: “Đội an ninh học đường”, “Mỗi ngày đến trường, mỗi ngày sạch đẹp”; triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội tại những nhà mở, mái ấm, trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ cũng như các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, với cao điểm là các chiến dịch “Xuân tình nguyện”, “Mùa hè xanh”; tạo môi trường để học sinh giao lưu, nâng cao tay nghề thông qua các hội thi “Tôi chọn nghề-Vững bước tương lai”, “Tự hào học sinh trường-Hiểu nghề, giỏi nghề, vững bước tương lai”…
Chia sẻ thông tin về nghề nghiệp tại các ngày hội, chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm của Đoàn Thanh niên các cấp triển khai. (Ảnh: Trung ương Đoàn cung cấp) |
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, có một tình trạng đáng lo ngại là tại không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nội dung về công tác giáo dục đoàn viên, học sinh, sinh viên chưa cụ thể, chưa tạo đột phá, nhất là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hoạt động phong trào có nơi, có lúc chưa sáng tạo, chưa đủ hấp dẫn. Nhiều cơ sở đoàn chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đoàn viên là học sinh, sinh viên.
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ đoàn ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lớn tuổi, phần lớn kiêm nhiệm công tác cho nên không có nhiều thời gian triển khai các hoạt động phong trào.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên bắt nguồn từ việc phần lớn đoàn viên, thanh niên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học văn hóa kết hợp trung cấp, học trên lớp kết hợp thực hành trong các công ty, nhà máy. Một số học sinh, sinh viên còn vừa học, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống, ít có thời gian tham gia hoạt động, phong trào Đoàn. Ngoài ra, công tác quản lý đoàn viên còn bất cập do chưa có quy định cụ thể khi liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng, trung cấp với các trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp.
Dự báo, thời gian tới, với các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến định hướng giáo dục nghề nghiệp, phân luồng giáo dục trung học cơ sở, các cấp bộ đoàn cần nắm bắt tốt hơn thực trạng, đề ra giải pháp đột phá để phát huy, tăng cường hiệu quả phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” nói riêng, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và xã hội về chủ trương đào tạo nghề của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phối hợp giữa các cấp bộ, ngành, địa phương với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, tổ chức đoàn các cấp có thể liên kết với nhà trường, doanh nghiệp để bảo đảm tốt hơn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên như triển khai các khu học tập cộng đồng, khu vui chơi giải trí, chương trình hoạt động lành mạnh trong khối giáo dục nghề nghiệp.
Các cấp bộ Đoàn cần nghiên cứu xây dựng chương trình công tác phù hợp hơn với điều kiện học tập của đối tượng học sinh học nghề; đưa ra những tiêu chuẩn riêng về thi đua khen thưởng gắn với điều kiện học tập của từng khối như 9+, 12+; đề xuất các mô hình, giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống gần gũi, dễ tiếp cận; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động linh hoạt, sáng tạo theo đặc thù các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hướng đến phát triển kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng chuyên môn.