SGGPO
Sáng 4-8, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội nghị “Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023”. Theo đánh giá, năm 2023, với diện tích xuống giống 7,1 triệu ha, sản lượng lúa đạt trên 43 triệu tấn.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,24 triệu tấn gạo với trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 533 USD/tấn, tăng 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Ước tính đến hết tháng 7-2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, dự kiến sản lượng lúa tại ĐBSCL sẽ đạt trên 20 triệu tấn. Trong ảnh, nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa |
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã đánh giá lại tình hình xuất khẩu vừa qua và bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023.
Theo Bộ NN-PTNT, dự kiến năm 2023, cả nước sẽ xuống giống được 7,1 triệu héc-ta lúa các loại, với năng suất bình quân đạt 6,07 tấn/ha. Dự kiến sản lượng lúa hàng hóa năm 2023 đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Các địa phương tại ĐBSCL đang đẩy nhanh tiến độ gieo sạ vụ mùa và vụ thu đông với diện tích dự kiến tăng 50.000ha so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 700.000ha.
Nông dân ĐBSCL vui mừng vì giá lúa đang tăng cao |
Sau khi cân đối giữa nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như khả năng đáp ứng từ hoạt động sản xuất, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 ít nhất cũng đạt 7,5 triệu tấn. Điều này cho thấy, Việt Nam không lo thiếu gạo cho xuất khẩu trong năm 2023.
Sau khi Ấn Độ có quyết định cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati), giá lúa gạo nội địa và xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao. Bộ Công thương nhận định: Khi nguồn cung lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu chủng loại gạo chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu đã tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung, ảnh hưởng đến 140 quốc gia. Do chuỗi tác động hậu Covid-19 chưa có dấu hiệu hồi phục, xu hướng lạm phát vẫn gia tăng, cộng thêm ảnh hưởng nguồn cung lương thực thế giới đã buộc một số quốc gia đưa ra giải pháp tức thì kiềm chế lạm phát.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khoảng hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (từ ngày 20-7), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 đô la Mỹ/tấn, từ mức 535 tăng lên mức 602 đô la Mỹ/tấn; giá gạo Jasmine của Việt Nam cũng tăng từ mức 625 lên trên 690 đô la Mỹ/tấn.
Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ nay đến cuối năm 2023, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Uớc tính 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 4,83-4,84 triệu tấn. Do đó, lượng gạo hàng hóa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66-2,67 triệu tấn.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, lượng gạo còn từ nay đến cuối năm có thể lớn hơn, vì ĐBSCL còn nguồn lúa nhập khẩu từ Campuchia để phục vụ chế biến xuất khẩu.