SGGP
Facebook luôn hỏi “…ơi, bạn đang nghĩ gì thế?” mỗi khi chúng ta mở ứng dụng này. Có người sẽ bỏ qua, nhưng với nhiều người, mỗi ngày đăng tải hàng chục bài viết, thậm chí trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau.
Đăng gì lên mạng xã hội được nhiều người cân nhắc |
Muôn hình vạn trạng
Đang là phóng viên của một tờ báo tại TPHCM, Facebook Ngọc Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) xuất hiện nhiều nhất là những đường dẫn (link) chia sẻ các bài viết do chính cô thực hiện; số còn lại, thỉnh thoảng cô đăng hình cây cối, đường phố… Đặc biệt, dù đã có 2 con, nhưng Ngọc Nga gần như “tối kỵ” chuyện đăng công khai hình của các con. “Thú thật, Facebook của mình không có quá đông bạn bè, hay người theo dõi, nên việc chia sẻ link để kiếm view (lượt đọc) không mấy hiệu quả. Nhưng ngày nào cũng phải đăng như một cách để chia sẻ về công việc, tự răn mình viết cẩn thận hơn”, cô tâm sự.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nhưng ngoài việc chia sẻ về các công việc, dự án đang trong quá trình thực hiện, từ bài viết đến bảng tin, video ngắn (reel), Phạm Anh (ngụ quận 3, TPHCM) còn cập nhật liên tục theo giờ các hoạt động thường nhật. Từ chuyện mua một ly cà phê hay trà sữa, ghé một tiệm ăn, gặp gỡ bạn bè, khoe những món quà được tặng, những chuyến đi chơi, cho đến cả việc chuẩn bị đi ngủ, đi tắm, thức dậy… tất tần tật đều được anh “phơi bày” trên mạng xã hội. Anh cho biết: “Với tôi, mạng xã hội đơn giản là nơi để mình bộc lộ cảm xúc. Càng đăng tải nhiều, nhận được nhiều sự tương tác, tôi càng thấy thú vị. Tôi biết, nhiều người không hợp gu có thể khó chịu và không theo dõi, hay hủy kết bạn cũng là chuyện bình thường”.
Ngược lại với Phạm Anh, dòng trạng thái mới nhất trên Facebook của Quỳnh Hoa (nhân viên hành chính nhân sự, ngụ quận 1, TPHCM) cách đây đã gần 1 tháng. Cô cho biết, bản thân mình vẫn sử dụng các mạng xã hội khác nhau, nhưng ngại chia sẻ thông qua các bài đăng. “Tôi chỉ đăng hoặc cho người thân gắn thẻ (tag) ở một số bài nhất định. Thay vào đó, tôi quyết định chuyển hướng giao lưu, trò chuyện, hay bàn bạc công việc thông qua các nhóm chat sẽ đảm bảo riêng tư, không sợ bị phán xét”, cô chia sẻ.
Luôn tỉnh táo
Khi tìm kiếm cụm từ “không đăng gì lên mạng xã hội” và “đăng gì lên mạng xã hội”, trong chưa đầy 0,4 giây đã cho lần lượt hơn 122 triệu và 229 triệu kết quả. Trong bối cảnh các mạng xã hội khác nhau đã và đang chi phối và có sức ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi chúng ta, thì việc có sử dụng mạng xã hội hay không đã trở thành một câu hỏi mang cả tính thời đại. Và nếu sử dụng thì sẽ đăng tải những gì cũng trở thành một câu hỏi có quá nhiều đáp án. Điều này cũng là trăn trở ngay cả với những nhà sáng tạo nội dung số, những KOL, TikToker, Facebooker…
“Nhiều khi chúng tôi cảm thấy khá mệt mỏi vì lúc nào cũng trong trạng thái áp lực phải luôn nghĩ nội dung, làm mới, đăng clip liên tục. Không làm có nghĩa là đứng lại. Mà đứng lại khi mọi người đang đi nghĩa là mình tụt lùi”, một TikToker với hơn 6,6 triệu lượt người theo dõi, chia sẻ. Còn theo Nguyễn Thành Dân – đồng sáng lập kênh Trung Thảo Mai – Anh Ba Dân với hơn 1,1 triệu lượt người theo dõi trên TikTok thì luôn có rất nhiều chất liệu từ cuộc sống để làm nội dung. “Vấn đề là tùy thuộc mỗi kênh lựa chọn nội dung và cách truyền tải phù hợp với định hướng của mình để thu hút khán giả”, Thành Dân nhấn mạnh.
Một bài viết trên tạp chí Ấn Độ Analytics India tiết lộ, mọi người đang ngày càng từ bỏ việc đăng bài trên các nền tảng truyền thông xã hội. Thay vào đó, họ chọn chỉ đăng bài trong các cuộc trò chuyện nhóm và nhắn tin nội bộ. Lý do của sự “tẩy chay” được cho là do các nội dung được đăng tải đang ngày càng ít ỏi, lặp lại gây nhàm chán, đó là chưa kể sự xâm lấn của quá nhiều nội dung quảng cáo. Bản thân những người làm sáng tạo nội dung thậm chí cũng được trả tiền để chèn quảng cáo vào các video, bài viết.
Ai cũng hiểu, với các công ty xây dựng nền tảng như Meta, Google, Twitter, mục đích lớn nhất vẫn là kiếm tiền. Và hầu hết các nền tảng này đều cho sử dụng miễn phí, và thu lợi từ quảng cáo. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang tạo ra một “cái bẫy”. Người dùng vốn mong muốn truy cập các nền tảng này để kết nối với những người họ biết, chia sẻ và trò chuyện. Nhưng giờ đây, thứ họ nhận được ngày càng nhiều là các bài đăng quảng cáo “được đề xuất” với tần suất dày đặc. Bài toán cân bằng quyền lợi của người tạo ra nền tảng và người dùng hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Xét cho cùng, nói như Ngọc Nga, Phạm Anh, hay Quỳnh Hoa, đăng gì lên mạng xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào công việc, nhu cầu và sở thích của mỗi người. Trong khi mạng xã hội bủa vây tứ phía, điều quan trọng nhất là luôn cần tỉnh táo để từng bài đăng, chia sẻ sẽ là những nội dung lành mạnh. Bên cạnh đó, đừng biến mình trở thành “con nghiện” mạng xã hội, bởi xét cho cùng đó chỉ là một công cụ phục vụ cho công việc hoặc giải trí và cuộc sống vẫn còn nhiều điều để khám phá hơn là dán mắt vào màn hình điện thoại.