Nguồn văn hóa dân gian như mạch ngầm thấm sâu và nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt. Tiếp nối câu chuyện văn hóa dung dị của quê hương từ những năm tháng ấu thơ, nhóm bạn trẻ bắt đầu hành trình đan bản sắc Việt cho chính mình qua dự án sáng tạo nghệ thuật văn hóa dân gian Việt Nam.
Tre, sen và lụa
Tiếng đàn tranh êm dịu len lỏi trong không gian triển lãm nghệ thuật Đan Sắc (diễn ra tại 22 Gallery: 22 Phạm Cự Lượng, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) với vỏn vẹn 3 chất liệu: lụa, tre và sen khiến khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi hồn quê, nếp nhà vừa mộc mạc nhưng cũng vừa điệu đà nghệ thuật.
Đây là cuộc triển lãm thuộc dự án Đan Sắc do nhóm bạn trẻ Nguyễn Thị Hoàng Lan, Nguyễn Quỳnh Trâm, Võ Ngọc Quỳnh Trang và Đinh Khánh Linh (Trường Đại học FPT TPHCM) thực hiện với những trưng bày thể hiện các giá trị về vật chất lẫn tinh thần của văn hóa dân gian. Lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, có một đặc trưng riêng giống với tính cách của mỗi cá nhân, ví như tre dẻo dai hay sen nghị lực vươn lên từ bùn…, từ điểm giao này, Đan Sắc kể câu chuyện bản sắc cá nhân của người trẻ. Trong thời đại giao thoa văn hóa hiện nay, xác định bản sắc cá nhân là vấn đề các bạn trẻ rất quan tâm. Đặc biệt, các chất liệu này được thể hiện đa dạng hình thức, từ nguyên bản đến áp dụng thành các sản phẩm trong đời sống hiện đại, để thấy được văn hóa dân gian vẫn luôn tồn tại và phát triển cùng nhịp sống đương thời.
Dừng lại thật lâu trước không gian trưng bày về sen trong triển lãm nghệ thuật, chị Hồ Thu Trâm (31 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Quê tôi cũng ở miền Tây nên từ nhỏ đã quen thuộc với bông sen, ngó sen… nhưng đây là lần đầu tiên tôi dự triển lãm trưng bày những sản phẩm ứng dụng của sen, nó đa dạng ngoài sức tưởng tượng của mình. Đồng hồ lá sen là sản phẩm lần đầu tôi trải nghiệm. Sen không chỉ là sen mà nó còn là một chất liệu thật sự linh hoạt để người ta ứng biến trong đời sống, từ câu chuyện văn hóa đến bài toán kinh tế thật gần và hiệu quả”.
Nền tảng cốt lõi
Văn hóa dân gian như một mạch ngầm, dung dị len lỏi trong nhịp sống xã hội từng ngày, ẩn – hiện qua những điều nhỏ bé trong nếp sinh hoạt đời thường, góp phần tạo thành bức tranh văn hóa to lớn, là trái tim của bao thế hệ người con trên dải đất hình chữ S. Nhóm bạn trẻ bắt đầu với một dự án vừa gần nhưng cũng vừa khó, khi đặt cho mình một tâm huyết về Đan Sắc – Dự án sáng tạo nghệ thuật văn hóa dân gian Việt Nam.
Nguyễn Quỳnh Trâm (thành viên sáng lập và quản lý truyền thông dự án Đan Sắc) chia sẻ: “Khi làm về dự án văn hóa dân gian, khó khăn nhất là về tính đúng đắn của các nội dung truyền tải, bởi vì đặc trưng của văn hóa dân gian là tính truyền miệng, các tác phẩm của văn hóa dân gian hầu như vô danh và đã có từ rất lâu đời, vì thế không có nhiều tài liệu liên quan đến những nội dung này, cũng như khó để xác định được đâu là nội dung đúng và sai. Tiếp theo là về tính sáng tạo, vì để làm một dự án sáng tạo nghệ thuật thì tiêu chuẩn về sự sáng tạo cũng được đặt lên cao. Và để đưa đề tài này đến gần bạn trẻ, dự án đã phải thử và sửa, cũng như là cố gắng hiện đại hóa các nội dung rất nhiều để tiệm cận hơn với các bạn gen Z”.
Đan Sắc bắt đầu từ tháng 8-2023, mong muốn tăng sự hiểu biết và hứng thú của các bạn trẻ, đặc biệt là nhóm từ 18-24 tuổi với văn hóa dân gian. Với thông điệp “Đan kết sắc màu văn hóa dân gian”, Quỳnh Trâm bày tỏ: “Ý nghĩa của thông điệp rằng các yếu tố dân gian giờ đây đã được phủ một sắc màu hiện đại khác nhau. Và người trẻ chúng ta hãy cùng chung tay đan kết để tạo nên một bức tranh văn hóa dân gian độc đáo, mới lạ mà không bị mất đi những giá trị cốt lõi”. Đan Sắc, một dự án cần thời gian và nhiều nguồn trợ lực để khẳng định và tạo ra thay đổi, nhưng từ những bước đan thật nhỏ này…, một chìa khóa lớn sẽ hình thành, để mỗi người Việt, đặc biệt là người trẻ hôm nay với giấc mơ công dân toàn cầu tự tin định danh chính mình trên trường quốc tế.
* ThS Văn học dân gian NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG, Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, cố vấn dự án Đan Sắc: Để gần hơn với người trẻ đô thị
Từ bao đời nay, dòng chảy văn hóa vẫn là mạch ngầm kết nối thế hệ. Có lúc mờ lòa, có lúc tưởng chừng đứt gãy, nhưng chưa bao giờ mối liên kết đó hoàn toàn mất đi. Trên tinh thần đó, dự án nghệ thuật sáng tạo Đan Sắc của nhóm sinh viên gen Z đã khai thác vốn văn hóa dân gian cổ truyền, để dệt nên một “tấm thảm thần kỳ” đa sắc, đa thanh đầy tinh thần tươi mới, trẻ trung và gần gũi hơn với thế hệ trẻ đô thị.
THIÊN THANH