Ngày 16/10/2024 vừa qua, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV năm 2024 do ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng lần thứ IV năm 2024 đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các thành viên Ban Chỉ đạo đại hội; lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND Thành phố.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã tổ chức xong Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV theo tiến độ kế hoạch đề ra và đạt được mục đích, yêu cầu của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố. Đại hội các huyện, thành phố được tổ chức trang trọng, với quy mô phù hợp, thiết thực, tiết kiệm, an toàn, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp Nhân dân.
Đối với Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024 dự kiến sẽ tổ chức trong 2 ngày, thời gian tổ chức đầu tháng 11 năm 2024 tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Quy mô gần 250 đại biểu chính thức và 101 đại biểu khách mời. Chủ đề của Đại hội là “Các dân tộc tỉnh Cao Bằng đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội cấp tỉnh đã hoàn thành báo cáo chính trị, báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu; tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc; tổng hợp danh sách đại biểu dự Đại hội; ban hành kế hoạch tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; xây dựng kế hoạch chi tiết về treo băng rôn, cờ phướn; xây dựng chương trình văn nghệ phiên chính thức Đại hội…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất một số nội dung về công tác tổ chức Đại hội như: Dự thảo các báo cáo, văn kiện, tài liệu liên quan; công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, số lượng đại biểu, thời gian, địa điểm tổ chức, thành phần tham dự, không gian trưng bày triển lãm các sản phẩm đặc trưng của địa phương; công tác thi đua khen thưởng; công tác hậu cần, khánh tiết; bổ sung thêm gian hàng quảng bá về du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền Đại hội và các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao tinh thần chủ động của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong quá trình tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Để Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục hoàn chỉnh các nội dung để chuẩn bị cho Đại hội. Đối với các nội dung cụ thể, nhất trí đoàn đại biểu đi dâng hương, báo công tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; lựa chọn các sản phẩm OCOP, bổ sung thêm gian hàng quảng bá du lịch tại không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương; khảo sát thêm vị trí triển lãm ảnh để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của đại biểu; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan xây dựng video trình chiếu tại Đại hội khoảng 30 phút, với nội dung phong phú, đầy đủ thông tin.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung nghiên cứu, cho ý kiến góp ý vào báo cáo chính trị Đại hội, Quyết tâm thư của Đại hội trước ngày 21/10 để hoàn chỉnh. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát kỹ các nội dung trong báo cáo chính trị và các văn bản liên quan trình đại hội; Ban Dân tộc xây dựng kịch bản chi tiết trình Thường trực Tỉnh ủy; nhất trí thời gian tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 11 năm 2024.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc. Có 10 đơn vị cấp huyện, thành phố gồm: 1 thành phố, 9 huyện và 161 xã, phường, thị trấn trong đó: 33 xã, phường thuộc khu vực I có 43 thôn đặc biệt khó khăn; 4 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II có 15 thôn đặc biệt khó khăn; 124 xã thuộc khu vực III có 938 thôn đặc biệt khó khăn; có 7 huyện biên giới, 40 xã, thị trấn biên giới; có 7 huyện nằm trong 74 huyện nghèo nhất cả nước.
Dân số toàn tỉnh hiện có 537.978 người; với 35 thành phần dân tộc, nhưng chủ yếu chỉ có 8 dân tộc cùng sinh sống lâu đời, trong đó dân tộc Tày chiếm 40,97%; Nùng 31,08%; Mông 10,13%; Dao 10,08%; Kinh 5,76%; Sán Chỉ 1,39%; Lô Lô 0,47%; Hoa 0,03 %; dân tộc khác 0,09%.