SGGP
Trước thông tin Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo ra thế giới, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, các doanh nghiệp nên phân tích, dự báo chính xác thời gian tác động, để xuất khẩu gạo mang lại hiệu quả cao nhất.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo đứng số 1 thế giới, sản lượng gạo xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Do đó, khi nước này ra lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo thì đương nhiên sẽ có tác động tới thị trường gạo thế giới.
PHÓNG VIÊN: Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng?
* Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG: Theo tôi, trước hết, phải thực hiện nghiêm túc Nghị định 107 của Chính phủ về xuất khẩu gạo, cũng như các chỉ đạo của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Doanh nghiệp phải có đánh giá, phân tích, dự báo chính xác thị trường để biết thời gian Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu gạo diễn ra bao lâu. Điều quan trọng nhất, khi thương thảo hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp phải tính toán thời điểm như thế nào để được giá tốt nhất trên cơ sở lượng dự trữ của doanh nghiệp đã có. Không nên vì giá lúa cao mà ký hợp đồng lấy được, nhưng không thể đáp ứng đủ.
Việt Nam có đảm bảo an ninh lương thực khi vẫn duy trì xuất khẩu, trong khi dự báo sản xuất nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng của El Nino?
* Đến thời điểm này, sản xuất lúa gạo của nước ta (cả 3 miền) đều rất thuận lợi. Nếu không có những biến động bất thường như thiên tai, dịch bệnh trên quy mô lớn… chúng ta hoàn toàn đạt được kế hoạch là 43 triệu tấn lúa trong năm nay và đảm bảo được an ninh lương thực. Vì vậy kế hoạch xuất khẩu trên 6,6 triệu tấn gạo là có thể trong khả năng.
Đảm bảo an ninh lương thực, ổn định giá cả lúa gạo trong nước, đảm bảo nguồn cung… là ưu tiên số 1 của Đảng và Chính phủ. Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để thường xuyên cập nhật, cân đối cung – cầu, nguồn lúa gạo từng thời điểm, để có chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các nước chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa gạo/năm thì tại ĐBSCL có thể sản xuất 3,5 vụ/năm. Khi Ấn Độ đóng cửa xuất khẩu lúa gạo, các đối tác đang tập trung mua gạo của Việt Nam. Nếu duy trì được sản xuất, giá bán tốt như hiện nay thì năm 2023, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, giá trị khoảng 4 – 4,2 tỷ USD.