29 Tết, tôi vội vã ra sân bay Tân Sơn Nhất để về TP Quy Nhơn ăn tết cùng gia đình với bao cảm xúc dâng trào. 22 năm vào TPHCM trọ học và lập nghiệp, Xuân năm nào, tôi cũng tất tả về quê trong những ngày cuối năm.
Đường hoa Xuân lộng gió
Phố biển đón người con xa xứ trong tiết trời giáp tết mát mẻ, thoáng đãng bởi gió biển, không còn thời tiết oi ả như mùa Hè hay mưa trắng trời vào mùa Đông. Đây có lẽ là thời tiết đẹp nhất trong năm.
Trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, hướng từ vòng xoay Ngô Mây đến ngã tư Đống Đa, phố hoa tết tấp nập người xem. Các bà, các cô xúng xính trong bộ áo dài truyền thống, tươi cười dưới nắng Xuân, thả dáng xuống phố và ghi lại những hình ảnh đẹp nhất.
Quảng trường trung tâm gần đó với tượng đài Bác Hồ và cụ thân sinh dập dìu người xe qua lại, chụp ảnh. Đối diện là khu trưng bày linh vật rồng của năm nay. Thật xúc động khi biểu trưng năm mới của đất Võ, trời Văn là rồng Bình Định được cư dân mạng khen ngợi hết lời giống rồng ở Đà Nẵng hay Quảng Trị… Rồng Bình Định còn có rồng con, được tạo hình vui vẻ, mong chờ một năm mới sung túc.
Bất chợt nhận được điện thoại hay tin nhắn của đám bạn thân từ TPHCM về các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn tết. Họ muốn tạt ngang Quy Nhơn nghỉ lại một đêm, trước khi tiếp tục hành trình vạn dặm. Thế là tôi trở thành hướng dẫn viên cho những người bạn phương xa.
Nhiều người nay có dịp quay lại phố biển đều bất ngờ khi đường sá, nhà cao tầng thành hình, du lịch phát triển khi ở trung tâm Quy Nhơn có thể thăm thú: Đồi Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ Hàn Mạc Tử đã gửi lại thân mình, vượt đầm Thị Nại qua bán đảo Nhơn Hội với khu du lịch Eo Gió, được thưởng thức hải sản tươi rói.
Lữ khách chợt đến, chợt đi với phố biển. Họ ấn tượng về tình đất, tình người nơi đây và hẹn ngày quay lại sau dịp tết khi trở vào thành phố tiếp tục công cuộc mưu sinh.
“Tết đến, con lại về”
Về với phố biển trong mùa Xuân này, lòng tôi ngập tràn bao xúc động. Ba má tuổi 70, tóc bạc đi nhiều quá, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn ngồi trước thềm nhà chờ con trai xa xứ trở về.
Làm sao quên cái dáng tất tả của ba khi chạy xe đi mua vài món đồ ăn mà con trai thích. Đó là má tôi đạp vội xe đạp đi mua hộp bánh xèo, hay bánh bèo – một trong những đặc sản Quy Nhơn về cho con. Dù con trai ở tuổi trung niên nhưng sự chăm lo của ba má thì lúc nào cũng như tuổi thiếu thời.
Về tết, tôi vui nhất là chở má tôi đi ra phố hoa gần nhà, lựa một chậu cây mà má thích. Năm ngoái má chọn chậu cúc vàng ươm, năm nay thì lại thích chậu quất trĩu quả cùng một chậu hoa trạng nguyên đỏ rực một góc trời. Đêm 30, ba má lại lúi húi đặt những tấm thiệp, đồ trang trí sắc đỏ lên cây.
Nhớ thời hậu bao cấp, ba má đều làm cán bộ Nhà nước, đồng lương eo hẹp, chỉ biết mua cây vào tối giao thừa vì rẻ. Sau đó, ba má lại cất công kiếm giấy báo bao lại chậu cây, sáng mồng một lì xì cho con cái. Bây giờ cuộc sống ổn hơn, ba má lại thích mua hoa sớm “để người bán hoa được về sớm với gia đình, được đón giao thừa cùng người thân”.
Hơn nửa đời người, năm nào tôi cũng về Quy Nhơn đón tết. Cảm giác ấy lâng lâng, khó tả khi đấng sinh thành vẫn mạnh khỏe, được chở má đi lựa một chậu cây là điều tôi vui nhất. Hạnh phúc ngày Xuân thật giản dị như vậy thôi, hạnh phúc khi chúng ta còn cha mẹ trong những ngày tết đến Xuân về, quây quần ấm cúng.
Dẫu cho bao lời mời mọc của bạn bè, đi du lịch nơi này nơi kia nhưng Quy Nhơn trong tôi vẫn luôn ngự trị trong một góc trái tim. Để rồi, tết năm nào, những người con xa xứ vẫn muốn trở về, thả mình trong làn nước biển tinh khiết, hít một hơi gió biển thật mạnh, cảm giác thư giãn sau những ngày mưu sinh xa xôi.
HÀ TIÊN
Quận Phú Nhuận, TPHCM