(HCM CityWeb) – Sáng 5/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Dự buổi làm việc về phía Đảng đoàn Quốc hội có các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Về phía Thành phố Hồ Chí Minh có: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ, các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Thường trực UBND, đại diện lãnh đạo các Sở ngành Thành phố.
Phát biểu định hướng nội dung buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đảng, Nhà nước luôn dành cho TP.Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc và có nhiều chỉ đạo cụ thể với TP.Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế – xã hội và định hướng phát triển của TP.Hồ Chí Minh cũng như nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng có kế hoạch làm việc sớm nhất với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho Thành phố trong quá trình triển khai các nghị quyết của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ý kiến tại cuộc họp tập trung đánh giá, làm rõ những nội dung trọng tâm, như: kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 57, những việc đang làm, chưa làm; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ; những đề xuất, kiến nghị của Thành phố với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới…
Nghị quyết số 98 đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá cho TP.Hồ Chí Minh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thay mặt Ban thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh báo cáo với Đoàn về việc thực hiện 3 Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo về việc thực hiện 3 Nghị quyết của Quốc hội
Việc thực hiện Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để Thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho thành phố Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong Thành phố đầu tiên của cả nước.
Nghị quyết số 98 quy định 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế Thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, Thành phố đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. Thành phố đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.
Về tài chính, ngân sách nhà nước, Thành phố đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư, đã đón tiếp và làm việc với hơn 320 đoàn trong và ngoài nước tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức 296 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước; tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư liên quan tới thu hút nhà đầu tư chiến lược, tăng trưởng xanh (giảm phát khí thải, tín chỉ các-bon).
Về tổ chức bộ máy chính quyền, Thành phố đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số; đã tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, 1 Phó Chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ, Hóc Môn; 51/52 Phó Chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50 ngàn người trở lên; đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn giai đoạn 2024 – 2026 với tổng số 7.037 người.
Về tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, đã thành lập mới Ban Đô thị Hội đồng nhân dân, Thanh tra xây dựng; Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm An sinh xã hội… “Về cơ bản, mô hình chính quyền đô thị TP Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ,” Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai đường Vành đai 3
Về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 57, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng và tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận 4 tỉnh/Thành phố gồm TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư nên có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, khẳng định được tính hiệu quả, hoàn toàn có thể áp dụng cho các dự án khác hoặc xem xét luật hóa.
Về thủ tục đầu tư, đã hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 68.660 tỷ đồng; đảm bảo tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán theo kế hoạch.
Về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổng thể dự án đạt khoảng 95% (575/603 ha), riêng đoạn qua TP.Hồ Chí Minh đạt 99,9%. Tiến độ khởi công, thi công các dự án thành phần cơ bản đáp ứng yêu cầu. Giai đoạn đầu dự án gặp rất nhiều khó khăn về khan hiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Tuy nhiên, Thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát lại, thống nhất các mốc tiến độ thông xe các dự án thành phần, hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án năm 2026, phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội của Dự án theo mục tiêu đề ra.
Về tiến độ giải ngân, đến hết năm 2023, tổng số vốn Dự án đã giải ngân 24.302 tỷ đồng, ttrong đó từ vốn ngân sách Trung ương là 14.946 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, toàn bộ Dự án đã giải ngân đạt 4.409/14.161 tỷ đồng đạt 31%.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131, Thành phố đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy HĐND các cấp. Vai trò của HĐND Thành phố được phát huy hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, hoạt động của HĐND các cấp và chất lượng tổ chức các kỳ họp HĐND Thành phố; tăng cường hoạt động giám sát, tái giám sát với nhiều hình thức và khảo sát thực tiễn; giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và đổi mới các diễn đàn đối thoại với người dân; thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND Thành phố với UBND Thành phố và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng báo cáo với Đoàn công tác về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; Đề án đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh; Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cơ bản đánh giá cao những kết quả TP.Hồ Chí Minh đã đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cũng như triển khai các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến sự phát triển của Thành phố.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Thành phố, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội đề nghị TP.Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đề xuất, kiến nghị, nhất là những đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, làm rõ khó khăn, vướng mắc nào cần đề xuất sửa Luật, khó khăn, vướng mắc nào cần điều chỉnh ở các nghị định, thông tư của Chính phủ.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, đi thẳng vào những vấn đề đặt ra một cách thực chất với tinh thần phải giải quyết được kiến nghị, đề xuất của TP.Hồ Chí Minh.
Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho TP.Hồ Chí Minh theo phương châm “tắc đâu thông đó”
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho TP.Hồ Chí Minh và kỳ vọng nhiều vào đầu tàu kinh tế của cả nước. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cách làm mới, quyết tâm mới của Thành phố; ghi nhận sự phát triển của Thành phố theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế – xã hội Thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, song vẫn chưa đột phá. Theo đó, tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 6,8%; nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý IV, Thành phố phải tăng trưởng trên 9%.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Chủ tịch Quốc hội quan tâm đến chỉ số thu ngân sách nhà nước của Thành phố và nêu rõ, nếu thu ngân sách của TP.Hồ Chí Minh đạt dự toán đề ra cho năm 2024, thì sẽ góp phần hoàn thành dự toán thu, bảo đảm cân đối chi ngân sách nhà nước của cả nước. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, TP.Hồ Chí Minh sẽ đạt được số thu ngân sách nhà nước như dự toán, đóng góp cho việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cả nước, trong đó có nhiệm vụ thu chi ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tăng trưởng của Thành phố chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ… Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho TP.Hồ Chí Minh theo phương châm “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”.
Vừa qua, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; đồng ý điều chỉnh thời gian thực hiện các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP.Hồ Chí Minh rà soát xem đã ban hành những văn bản gì để thực hiện các luật này.
Đối với các kiến nghị của Thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp đối với 3 luật sửa đổi, bổ sung 12 luật, trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung 4 luật khác thuộc lĩnh vực Thành phố đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội cơ bản thống nhất về mặt chủ trương với đề xuất có tư duy và tầm nhìn của Thành phố về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Đề án đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh và Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời đề nghị, Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND Thành phố khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện các tài liệu theo quy định để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan và nhấn mạnh, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp, phối hợp khẩn trương, thường xuyên với Thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; lưu ý hồ sơ các dự án, đề án phải đầy đủ theo quy định, làm rõ về căn cứ pháp lý, đánh giá kỹ đầy đủ tác động, thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội ủng hộ việc đề xuất điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế cho phù hợp; đồng tình tốc độ làm chính sách, điều chỉnh chính sách phải nhanh hơn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trước mắt là hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiến tới tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội; cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại cuộc làm việc.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố sẽ khẩn trương tiếp tục triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù, dự án đang làm, đồng thời rút kinh nghiệm với những vướng mắc, khó khăn thuộc về trách nhiệm chủ quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Minh Thư
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/chu-tich-quoc-hoi-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-thanh-uy-tp-ho-chi-minh?redirect=%2Fchinh-quyen