Ngày 6/10, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đài Truyền hình Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 10, chủ đề “An toàn thực phẩm (ATTP) – Sức khỏe cộng đồng”.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Phạm Thành Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân điều hành chương trình.
Tại chương trình, cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan công tác kiểm tra, giám sát từ gốc và quá trình phân phối lưu thông tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống; công tác quản lý các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học…
Trao đổi với cử tri, Giám đốc Sở ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan thông tin, sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20% – 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, nhu cầu còn lại đến từ các tỉnh hoặc nhập khẩu.
Sở ATTP TPHCM đã phối hợp Sở NN-PTNT của 15 tỉnh đã ký kết phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản. Đồng thời, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.
Song song đó, TPHCM tiếp tục phát triển “chuỗi thực phẩm an toàn”. Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận cho 332 trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
Còn tại chợ đầu mối, Đội Quản lý ATTP phối hợp Ban Quản lý chợ kiểm tra, giám sát ATTP đối với hàng hóa nhập vào chợ hàng đêm.
Đối với chợ truyền thống, các đội quản lý ATTP liên quận, huyện phối hợp các phòng, ban chức năng của UBND TP Thủ Đức và quận, huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP và lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm chất lượng (nếu cần), nhằm đảm bảo ATTP tại chợ.
Sở ATTP phối hợp UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện mô hình chợ thực phẩm an toàn và đã có 46 chợ đăng ký triển khai.
Trao đổi thêm liên quan chợ đầu mối Hóc Môn, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, từ tháng 6-2023 đến nay, UBND huyện phân công một Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề phát sinh xung quanh khu vực chợ; thành lập chốt trực 24/24 giờ/ngày; tổ chức tuyên truyền, vận động; phối hợp với Đội 4 kiểm tra xử lý về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã tuần tra, kiểm tra xử phạt 1.166 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đánh giá tình hình an ninh trật tự, ATTP tại khu vực chợ đầu mối Hóc Môn cơ bản được kiểm soát và có chuyển biến tích cực.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, nhằm đảm bảo bữa ăn của học sinh được chất lượng và an toàn, sở luôn giám sát chặt chẽ công tác quản lý các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học.
Đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể tại trường, Sở GD-ĐT yêu cầu đội ngũ lãnh đạo, nhân viên phụ trách công tác y tế được trang bị kiến thức về đảm bảo ATTP hàng năm. Đây là những người trực tiếp quản lý, giám sát bữa ăn, chất lượng bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học.
Điều hành chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực ATTP; xây dựng chuỗi thực phẩm sạch cả hai khâu sản xuất và kinh doanh; phát triển chuỗi thực phẩm sạch, phát triển mô hình kinh doanh hiện đại, cải thiện môi trường kinh doanh truyền thống.
Đồng thời, giám sát và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng thực phẩm có nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
NGÔ BÌNH (Theo SGGP)
Nguồn: https://hochiminhcity.gov.vn/-/canh-bao-kip-thoi-nguoi-tieu-dung-thuc-pham-co-nguy-co-mat-an-toan?redirect=%2Fchinh-quyen