Đảm bảo hàng hóa, chăm lo tết chu đáo cho người dân
Theo Cục Thống kê TPHCM, tháng 1 là tháng trước tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 103.241 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ. Mức tăng so với tháng trước chủ yếu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, nhiều siêu thị và cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hàng hóa phục vụ tết về các chợ đầu mối bắt đầu tăng từng ngày. Hiện nay, mỗi ngày hàng hóa về 3 chợ đầu mối của TPHCM khoảng 11.000 tấn, các trang thương mại điện tử, mua bán online cũng phát triển mạnh.
Còn Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Trần Phú nhận xét, giá cả thị trường dịp tết ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú và chưa phát hiện tình trạng găm hàng chờ tăng giá. Tuy nhiên, sức mua năm nay không tăng nhiều so với năm trước.
Thông tin về hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn 2024, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, năm nay TPHCM chăm sóc cho khoảng 625.442 người với kinh phí 1.102 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 915 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống MTTQ các cấp, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn và các địa phương cùng vào cuộc chăm lo với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các hoạt động chăm lo cho người lao động, công nhân. Điểm mới của hoạt động chăm lo tết năm nay, thành phố chăm lo thêm 3.089 trẻ em, người già gặp khó khăn.
Sở LĐTB-XH cũng chủ động tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường biện pháp giữ vững quan hệ lao động trên địa bàn. Sở khảo sát 1.300 doanh nghiệp, cho thấy tiền thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân 12,3 triệu đồng/người. Ngoài tiền thưởng, doanh nghiệp cũng tặng quà tết, phiếu mua hàng, chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn tết, thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, hiện các doanh nghiệp cần khoảng 25.000 người lao động dịp tết. Phần lớn nhu cầu tuyển dụng phục vụ việc sản xuất, kinh doanh dịch vụ tết. Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động, thời gian qua Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm.
Liên quan công tác chuẩn bị các hoạt động dịp tết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng đảm bảo an toàn cho các cơ quan trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lực lượng ứng trực phải đảm bảo xử lý được tất cả các công việc có thể xảy ra. Với hoạt động tổ chức lễ hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải đảm bảo an toàn, trường hợp không đảm bảo an toàn thì không tổ chức và phải lưu ý đến tình hình giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Lực lượng Công an TPHCM cũng phải ứng trực, tập trung trấn áp quyết liệt các loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, hàng gian, hàng giả, ma tuý, vận chuyển hàng lậu và sử dụng pháo nổ.
Tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Phân tích các yếu tố tăng trưởng, tác động của thị trường, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Do đó, sở tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Trong đó, tiếp tục tổ chức đối thoại kết nối doanh nghiệp với ngân hàng để giải quyết nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, triển khai trung tâm logistics đầu tiên của TPHCM trong năm 2024.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, tháng 1-2024, các chỉ tiêu du lịch phục hồi tốt. Doanh thu du lịch ước đạt 13.000 tỷ đồng, bằng 20% cả nước. Dù vậy, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhìn nhận doanh thu du lịch quý 1 năm nay có thể không tăng cao. Bởi qua khảo sát, mức chi tiêu của du khách tại nhà hàng, khách sạn không tăng và có chiều hướng giảm. Ngoài ra, việc siết chặt quy định xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng có tác động đến doanh số của nhà hàng, khách sạn.
Thời gian tới, Sở Du lịch triển khai nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng. Trong đó, tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch trong và ngoài nước, giới thiệu các tour tuyến, sản phẩm du lịch đến với khách hàng. Đồng thời, chú trọng tăng cường hướng dẫn, giám sát doanh nghiệp trong phục vụ du khách dịp tết đảm bảo chất lượng, an toàn. Ngoài ra, sở cũng phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển các tuyến du lịch đường thủy.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, TPHCM đặt chỉ tiêu phát triển năm 2024 từ 7,5-8% và giải ngân vốn đầu tư công là 95%. Trong đó, chỉ tiêu giải ngân quý 1-2024 phải đạt thấp nhất là 12%, tăng trưởng không thấp hơn 6,5%. Đây là nhiệm vụ khó nên ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung phấn đấu để triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung quyết liệt thúc đẩy các động lực trên các lĩnh vực.
Đó là, thúc đẩy đầu tư công từ đầu năm để tạo tính lan tỏa; thúc đẩy tiêu dùng nội địa và liên kết vùng với các tỉnh thành địa phương với hàng loạt các chương trình khuyến mãi, thương mại điện tử, thương mại nền tảng xã hội nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng gắn với dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, triển khai quyết liệt chủ đề năm 2024, thúc đẩy mô hình và dòng vốn xanh như một giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xanh.
Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1-2024 ước tính giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 26,9% so với cùng kỳ, do cùng kỳ tháng 1-2023 là tháng Tết Nguyên đán.
Về thành lập doanh nghiệp, từ ngày 1-1 đến ngày 20-1, TPHCM cấp phép 3.303 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 39.020 tỷ đồng, tăng 30,2% về giấy phép và tăng 117,2% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 2.465 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 32.857 tỷ đồng, tăng 29,9% về cấp phép và tăng 154,9% về vốn so với cùng kỳ.
Theo Sở Tài chính, ước tính tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 1-2024 giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa giảm 6,1%, thu từ dầu thô giảm 23,7% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,4% so với cùng kỳ. Ngược lại, ước tính chi ngân sách địa phương tăng 60,3% so với cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên tăng 1,1%.
NGÔ BÌNH