Chênh lệch mức sinh thay thế giữa các vùng miền
Tổng tỷ suất sinh ước thực hiện năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ (giảm 0,05 con/phụ nữ so với năm 2023), không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 là 2,1 con/phụ nữ.
Năm 2024, mức sinh tại thành thị (ước 1.67 con/phụ nữ) và nông thôn (ước 2.08 con/phụ nữ) tiếp tục dưới mức sinh thay thế. Trong hai thập kỷ vừa qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đô thị hóa cao.
Mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, mức sinh còn cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Trung du và miền núi phía bắc (ước 2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (ước 2,24 con/phụ nữ) vẫn là 2 vùng có mức sinh cao. 4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế hoặc mức sinh thấp. Trong đó, Đông Nam Bộ vẫn là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Trong nhóm 9 tỉnh thuộc vùng mức sinh thay thế, có 7/9 tỉnh có mức sinh tiếp tục giảm dưới mức sinh thay thế.
Nhóm 21 tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, có 13/21 tỉnh có mức sinh tiếp tục giảm sâu dưới mức sinh thay thế. Tại các tỉnh mức sinh thấp chưa có nhiều chính sách, mô hình can thiệp, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh đang trong quá trình xây dựng, đề xuất và triển khai thí điểm nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh, thành phố thuộc vùng này.
Nhóm 33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao, có 10/33 tỉnh có mức sinh giảm xuống xung quanh mức sinh thay thế. Tại các tỉnh mức sinh cao, việc hỗ trợ thúc đẩy sử dụng biện pháp tránh thai còn hạn chế, thậm chí một số nơi ngân sách địa phương chỉ bảo đảm miễn phí các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội.
Mức sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế 3 năm liên tục và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nếu không có biện pháp, giải pháp phù hợp.
Nhiều chính sách khuyến khích sinh con, duy trì mức sinh thay thế
Ngày 11/12/2024, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 40/2024/NQ-HĐND về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Theo đó, chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi tại thành phố và hỗ trợ 2 triệu đồng đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo khi thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.
Nhiều cuộc thi, tuyên truyền kiến thức về dân số. |
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc hỗ trợ phần kinh phí này của Thành phố chỉ là một trong rất nhiều giải pháp để giải quyết câu chuyện mức sinh thấp của thành phố, chính sách này chỉ là giải pháp đầu tiên và là hỗ trợ một phần cho chi phí y tế khi thực hiện việc thăm khám thai kỳ, thực hiện sàng lọc trước sinh – sàng lọc sơ sinh và chi phí viện phí đồng chi trả sau khi được bảo hiểm y tế thanh toán.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua một nghị quyết về hỗ trợ miễn học phí cho gần 500.000 học sinh trung học cơ sở. Dự kiến ngay trong kỳ họp đầu năm, sẽ tiếp tục xem xét để thông qua nghị quyết đặc thù về hỗ trợ miễn phí bậc học mầm non và trung học phổ thông cho toàn bộ học sinh của thành phố.
Ngành y tế thành phố cũng đang gấp rút, khẩn trương trình một nghị quyết đặc thù về hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn cho tất cả các cặp đôi ra đăng ký kết hôn và hỗ trợ toàn bộ chi phí sàng lọc trước sinh – sàng lọc sơ sinh cho người dân thành phố. Tất cả, đây là những giải pháp đã, đang và sẽ triển khai tiếp tục để giải quyết bài toán mức sinh thấp của thành phố.
Tại Hải Phòng, theo bà Trần Thị Thu Hằng, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Hải Phòng, sau nhiều năm thực hiện với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của người dân, công tác dân số thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%; mức sinh thay thế được duy trì hơn một thập kỷ qua (năm 2009 là 2,16 con/phụ nữ, năm 2019 là 2,20 con/phụ nữ, năm 2023 là 2,19 con/phụ nữ) ; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi.
“Tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố từng bước được khống chế; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao, các hoạt động mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai sâu rộng trên toàn thành phố”, bà Hằng cho hay.
Mặc dù mức sinh của Hải Phòng trong nhiều năm qua đang duy trì ở mức sinh thay thế, tuy nhiên theo bà Hằng vẫn chưa mang tính ổn định vững chắc, tiểm ẩn biến động khó lường, đặc biệt là đang có xu hướng giảm sinh. Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn có chiều hướng gia tăng, xu thế nam nữ thanh niên kết hôn muộn, sinh con muộn… đang là vấn đề đặt ra cho công tác dân số trong thời gian tới.
Trong năm 2024, thành phố đã bố trí kinh phí để hỗ trợ các chính sách theo Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND gần 12 tỷ đồng. Toàn thành phố 2 tập thể, 572 cá nhân đủ điều kiện được khuyến khích, hỗ trợ để duy trì mức sinh thay thế và 155 cộng tác viên dân số nhận khuyến khích, hỗ trợ khi hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Với những nỗ lực trong việc tham mưu, triển khai các chính sách đặc biệt là chính sách khuyến khích, hỗ trợ để duy trì mức sinh thay thế nhằm thúc đẩy, hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết số 21, thông qua đó nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức của người dân nhất là các bạn nam nữ thanh niên, các cặp vợ chồng trẻ có ý thức trách nhiệm với gia đình và xã hội để ổn định quy mô dân số.
Cần triển khai đồng bộ duy trì mức sinh thay thế
Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, để triển khai đồng bộ và có hiệu quả về Chương trình điều chỉnh mức sinh, Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố đã ban hành và tiếp tục triển khai, thực hiện các nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích về công tác dân số trong tình hình mới.
Tuyên truyền vận động chính sách về dân số. |
Các chính sách đều hỗ trợ cho các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, xử lý tai biến do sử dụng biện pháp tránh thai; hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã sinh đủ hai con sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài; mua phương tiện tránh thai; khen thưởng, khuyến khích các xã, phường, thị trấn trong việc nâng cao chất lượng dân số, thực hiện giảm sinh con thứ ba ở vùng mức sinh cao, sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp; chi bồi dưỡng hàng tháng cho cộng tác viên.
Trong năm 2024, một số tỉnh mức sinh cao đã ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh và bố trí kinh phí mua và đảm bảo cấp miễn phí phát thuốc tránh thai cho các đối tượng chính sách, cụ thể như tỉnh Bắc Kạn mua thuốc tiêm tránh thai và xi lanh cấp miễn phí cho tất cả người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng phương tiện tránh thai hiện đại thông qua gói dịch vụ; tỉnh Yên Bái cung cấp đầy đủ các phương tiện tránh thai hiện đại, gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho tất cả người dân có nhu cầu (kể cả vị thành niên, thanh niên).
Nguồn: https://nhandan.vn/can-giai-phap-phu-hop-de-duy-tri-muc-sinh-thay-the-post854327.html