Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, nhiều người đánh giá năm 2023 là một năm “kinh tế buồn”, nhưng không vì thế mà các hoạt động thuộc về giá trị tinh thần tại TPHCM trở thành khoảng trống. Năm 2024, các sự kiện văn hóa – giải trí tại TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực định vị vai trò “văn hóa sáng tạo” của TPHCM, từng bước nâng tầm chất lượng, làm động lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nền tảng từ di sản văn hóa
Bên cạnh sự sôi nổi của các hoạt động giải trí đang thu hút khán giả, lĩnh vực di sản văn hóa vốn cần chiều sâu, ít nhiều trầm lắng hơn so với các hoạt động văn hóa nghệ thuật chung, cũng dần thể hiện bản sắc của thành phố qua nhiều sự kiện lần đầu tiên như: Lễ hội sông nước TPHCM; các sản phẩm du lịch tại địa phương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa – lịch sử trên địa bàn mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức…
Di sản văn hóa được chú trọng và nhắc đến nhiều hẳn là tín hiệu vui cho cuộc nâng tầm và xây dựng bản sắc thành phố. Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng phát triển văn hóa và đã có nhiều nghị quyết định hướng. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Các hoạt động nghệ thuật – giải trí tại TPHCM cũng bắt đầu chú trọng xây dựng từ nền tảng di sản văn hóa hơn 300 năm hình thành của đô thị. Thống kê tính đến hết năm 2022, thành phố có 185 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp thành phố.
Ngoài ra, thành phố còn có các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Lễ hội Nguyên Tiêu, Lễ Khai hạ – Cầu an…, và một số làng nghề như: nghề thổi thủy tinh, thuộc da Phú Thọ (quận 11); chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây (quận 12); đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp); làng mai (quận Thủ Đức)…, góp phần quan trọng làm nên đặc trưng diện mạo của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và TPHCM ngày nay.
Định vị sáng tạo từ công nghiệp văn hóa
Trong lộ trình nâng tầm thương hiệu và định vị “văn hóa sáng tạo” của mình, TPHCM cũng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Từ đề án này đã tạo nền tảng vững chắc để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh.
Nhìn nhận vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM, TS Phạm Văn Luân (Trường Đại học Văn hóa TPHCM) bày tỏ: “Công nghiệp văn hóa là một cách tiếp cận sáng tạo và nhất quán khi xây dựng TPHCM trở thành thành phố sáng tạo, mở ra cơ hội tận dụng tối đa nguồn lực quan trọng từ lực lượng nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, doanh nhân…, khai thác một cách hữu hiệu các cơ sở vật chất, tài sản tinh thần vốn là nguồn lực xã hội đang bị “lãng quên” như: Trường đua Phú Thọ với lịch sử hàng trăm năm danh tiếng nay đang bị bỏ hoang, Làng nghề Một thoáng Việt Nam đang trong tình trạng cầm cự không hoạt động… sẽ được hồi sinh theo tinh thần “sáng tạo truyền thống”.
Chính công nghiệp văn hóa trong môi trường của thành phố sáng tạo, sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực với sức lan tỏa của văn hóa sáng tạo và kết nối với toàn cầu, làm gia tăng hàm lượng khoa học, vốn văn hóa truyền thống của Sài Gòn – TPHCM khai thông và phát triển năng lực thích ứng nhanh nhạy và bền bỉ, lao động sáng tạo của người dân thành phố”.
Kế hoạch tương lai TPHCM với từng bước chứng minh tiềm năng, bản sắc… để gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UNESCO Creative Cities Network – UCCN). Những bước đi không quá vội vàng, khi một số thành phố khác trên cả nước đã gia nhập UCCN, bởi các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hay giải trí đơn thuần tại TPHCM không chỉ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng tinh thần của người dân, mà còn là bước đà để thành phố nâng tầm các hoạt động của mình, góp phần quảng bá hình ảnh, con người, bản sắc đô thị hơn 300 năm ra khu vực và vươn tầm quốc tế.
“Di sản văn hóa được bảo tồn, phục vụ phát triển du lịch, tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TPHCM. Di sản văn hóa ở TPHCM là một nguồn lực quan trọng trong khai thác du lịch, để du khách đến thăm TPHCM thưởng ngoạn, nghiên cứu, trải nghiệm từ các di sản vật thể và phi vật thể, qua đó họ hiểu thêm các giá trị truyền thống của thành phố; đồng thời giúp họ có niềm tin trong việc chọn thành phố làm điểm đến, điểm đầu tư đáng tin cậy”, TS Nguyễn Tri Phương, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, phân tích.
HỒNG DƯƠNG