Vào ngày 11 tháng 4 năm 1946, trong bức thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Ngày 12 tháng 11 năm 2024, đồng chí Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi thư chúc mừng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945 – 14/11/2024) gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thư, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; với tinh thần tương thân tương ái quý báu của dân tộc, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của bà con nông dân, doanh nghiệp và tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành; chúng ta đã vượt qua những khó khăn để cùng nhau đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất…”
“Tự hào về truyền thống vẻ vang 79 năm qua, tôi tin tưởng rằng, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nỗ lực, chủ động, đoàn kết và sáng tạo để cùng với bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp của Đảng, Nhà nước và ngành xây dựng nền “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của đất nước, dân tộc.
Trong 79 năm qua, ngành nông nghiệp đã có những bước tiến thần kỳ, tạo nên thành tựu vô cùng ấn tượng. Trước đổi mới (năm 1986), nền nông nghiệp Việt Nam mang nặng tính manh mún, quy mô nhỏ, quá trình tích lũy nội bộ thấp. Một mặt, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; mặt khác, cơ chế quản lý tập trung mệnh lệnh hầu như thủ tiêu hoàn toàn chức năng thị trường. Trong giai đoạn này, nền nông nghiệp chỉ đáp ứng nhu cầu tồn tại, nghĩa là nhằm giải quyết tình trạng thiếu ăn của người dân. Nông sản là mặt hàng cầu ít co giãn theo giá cho nên khó có thể giảm giá để kích cầu. Khi nông sản rơi vào tình trạng giảm giá mạnh cũng có nghĩa thiệt hại kinh tế của nông nghiệp tăng lên, rủi ro gia tăng.
Sau đổi mới, đặc biệt sau khi áp dụng chính sách khoán, nền nông nghiệp có sự thay đổi, sản lượng nông sản tăng lên đáng kể. Trong giai đoạn từ khi thực hiện chính sách khoán đến năm 2021, nền nông nghiệp có bước phát triển mạnh thể hiện ở nông sản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam trong nhiều năm thuộc nhóm 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Các mặt hàng khác, như cà phê, hồ tiêu, thủy sản cũng có vị trí quan trọng trên thị trường thế giới.
Trong giai đoạn 1995-2023, trị giá xuất khẩu hàng nông sản tăng lớn nhất từ trên 1,7 tỷ USD năm 1995 lên khoảng 28,15 tỷ USD năm 2023. Mặt hàng thủy sản có con số tương ứng là 621 triệu USD và 9,2 tỷ USD. Đối với hàng lâm sản, con số này tương ứng là 154 triệu USD và 14,39 tỷ USD.
Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp có tiến bộ lớn. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” và nông sản phụ thuộc nhiều vào khả năng nhập khẩu, cho nên tình trạng dư thừa nông sản vẫn xảy ra và cần sự giải cứu gần như hằng năm.
Nhiều biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật được quy định trong các cam kết của hiệp định thương mại tự do đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào đáp ứng các loại rào cản này. Các quy định như thẻ vàng thủy sản xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (IUU – đánh bắt bất hợp pháp, không đúng quy định và không báo cáo), các biện pháp tự vệ, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật – vệ sinh xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… hay quy định gạo hữu cơ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) càng cho thấy tính đa dạng của hàng rào kỹ thuật và việc có thêm các hàng rào kỹ thuật mới chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc đáp ứng đầy đủ và nghiêm túc quy định nhập khẩu của các nước, mặc dù làm tăng chi phí xuất khẩu, song giá xuất khẩu thu được cao hơn, lợi nhuận thỏa đáng. Sự kết nối theo chuỗi giá trị còn bảo đảm tính ổn định của các khâu trong chuỗi, loại bỏ triệt để rủi ro do đứt gãy chuỗi. Đây là cách thức góp phần tổ chức lại cơ cấu chuỗi giá trị toàn ngành, theo đó, phân bổ lại nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những thành công trên đây cho thấy tư duy kinh tế nông nghiệp tạo khả năng hình thành nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng sản xuất quy mô công nghiệp, nông sản chất lượng cao, năng suất lớn và có khả năng phát triển sâu thị trường trong nước cùng với mở rộng đáng kể thị trường ngoài nước.