Bộ sưu tập của anh Đương với đủ các loại ấm trà bằng gốm, sành, sứ, có niên đại từ thế kỷ thứ 6 đến nay.
“Tiêu chí của tôi là ưu tiên dòng gốm Việt và cổ xưa, có tuổi đời khoảng 30 năm trở về trước”, anh Đương nói.
Trên các kệ trong nhà anh Đương trưng bày hàng trăm ấm trà, bình đủ mọi màu sắc, hình dáng, kích cỡ.
Anh Đương cho biết, ban đầu anh chỉ muốn tìm lại những chiếc ấm quen thuộc, xuất hiện trong tuổi thơ của mình. Càng sưu tầm, anh càng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và câu chuyện của chúng.
Những ngày đầu, anh Đương lang thang qua các sạp bán đồ xưa, đồ cũ ở Bình Dương, TPHCM… để tìm mua ấm. Sau đó, anh tìm kiếm những chiếc ấm cũ, cổ trên các diễn đàn chuyên mua bán đồ xưa.
Một góc sân nơi anh Đương trưng bày hàng trăm chiếc ấm lớn, nhỏ thuộc nhiều dòng gốm sứ khác nhau. Đây cũng là không gian để anh Đương thưởng thức trà cùng người thân vào những ngày cuối tuần.
Đa số ấm của anh Đương được làm từ chất liệu gốm. Một số khác được làm bằng sứ thuộc dòng gốm sứ Vạn Ninh, Nam Phong, Sài Gòn… Tất cả các hiện vật này đều có hình dáng, in, vẽ hoa văn mộc mạc, gần gũi với cuộc sống con người Việt Nam.
Bộ ấm hoa hồng gốm Bát Tràng đầu thập niên 1980, được anh mang ra pha trà chiêu đãi khách.
“Ấm trà cổ có ở nhiều nơi từ Nam ra Bắc, tôi thường mua trên mạng nên lo ngại quá trình vận chuyển sẽ bị vỡ”, anh Đương nói.
Những chiếc bình và ấm trưng bày trên các kệ gỗ, có nhiều kích cỡ, hình dáng và màu sắc khác nhau, bề mặt của ấm thể hiện rõ dấu ấn thời gian. Một số bình có họa tiết và hoa văn trang trí đơn giản.
“Cách trưng bày các bình và ấm này tạo nên một không gian cổ kính và mang đậm tính chất lịch sử, phản ánh sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật gốm sứ cổ truyền”, anh Đương nói.
Những chiếc ấm có nguồn gốc từ Sài Gòn, Lái Thiêu những năm 1940 – 1960.
Ấm trà có hình dáng con cá với màu xanh lá cây chủ đạo và các chi tiết trang trí màu vàng. Vảy cá và mắt cá được thể hiện tỉ mỉ, làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của sản phẩm gốm Biên Hòa.
Những chiếc ấm Nam Bộ được sản xuất từ những năm 1970 đến 1990, có tạo hình các con vật như: gà, chim, cò…
Các chiếc ấm Bát Tràng được sản xuất từ những năm 1960 đến thập niên 1980.
Chiếc ấm gốm Châu Ổ – Quảng Ngãi có từ thế kỷ 19-20 với tạo hình quả na, bề mặt được phủ men màu nâu bóng loáng. Trên nắp ấm có các chi tiết trang trí hình nhánh cây tạo thêm điểm nhấn cho thiết kế.
Rất nhiều khách đến tham quan không khỏi xúc động khi gặp lại ấm trà mà gia đình mình từng sở hữu, sử dụng thời ấu thơ. Nhiều người hỏi mua nhưng anh Đương không bán. Anh Đương xem bộ sưu tập của mình là những bảo vật vô giá và sẽ tiếp tục thú vui sưu tầm ấm trà trong thời gian tới.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/bo-suu-tap-hon-1000-am-tra-co-cua-nguoi-dan-ong-o-binh-duong-20240716160940726.htm