SGGPO
Sáng 11-8, Tỉnh ủy – HĐND- UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh và trực tuyến đến 193 điểm cầu trong tỉnh với gần 13.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh tham dự.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bên trái) tặng lẵng hoa chúc mừng đại hội |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL; Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học tại TPHCM, Bình Dương, Hà Nội; cùng các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng tặng lẵng hoa chúc mừng đại hội |
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, từ khi tỉnh Bình Phước được tái lập năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong quá trình phát triển của tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Hội nghị Văn hóa với quy mô lớn, để bàn thảo về lĩnh vực nền tảng tinh thần của xã hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Mục đích của hội nghị hướng đến các vấn đề chính gồm: cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tham dự hội nghị |
Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tạo chuyển biến mới tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham quan gian trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước |
Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước là bước cụ thể hóa và tiếp tục triển khai các nội dung, những định hướng lớn của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước |
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bình Phước sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tính đến thời điểm này, Bình Phước là tỉnh đầu tiên của miền Nam tổ chức Hội nghị Văn hóa cấp tỉnh (cả nước mới chỉ có hai địa phương là tỉnh Hà Tĩnh và Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị Văn hóa cấp tỉnh). “Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh với văn hóa, thể hiện ở công tác chuẩn bị rất chu đáo, có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa; các hoạt động bổ trợ được triển khai đồng bộ, phong phú, phản ánh tính đa dạng, tính đặc sắc về văn hóa của Bình Phước”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Bình Phước tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững theo đúng quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo”; trong xây dựng văn hóa, lấy con người là trọng tâm; xây dựng, hoàn chỉnh hệ giá trị con người Bình Phước, giữ được bản sắc truyền thống trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước biểu diễn đàn đá bên lề hội nghị |
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, tỉnh cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực then chốt cho công tác quản lý văn hóa và cho các ngành văn hóa đặc thù. Đội ngũ làm công tác văn hóa phải luôn phấn đấu nỗ lực, trở thành những sứ giả văn hóa, là lực lượng nòng cốt để tham mưu cho cấp ủy, cho ngành, khơi dậy các giá trị văn hóa, khát vọng vươn lên của tỉnh Bình Phước.