Bình Định xúc tiến hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robotics
Tiềm năng, dư địa hợp tác giữa Bình Định và Ấn Độ là rất lớn song còn khiêm tốn. Chủ tịch tỉnh Bình Định đánh giá, việc hợp tác phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giữa hai bên là phù hợp với nhu cầu, chiến lược hợp tác.
AI – chiến lược hợp tác
UBND tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ tại tỉnh Bình Định. Tham dự hội nghị có ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung… cùng với 40 tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Ấn Độ.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, tỉnh đã xác định tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai sẽ là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột gồm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Ấn Độ. Đồng thời, những ảnh hưởng, giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và Việt Nam được thể hiện đậm nét tại Bình Định.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, đây là chìa khóa để thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách Ấn Độ đến tìm hiểu, du lịch, khám phá cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Định; mở ra một giai đoạn phát triển mới quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ…
Thông tin về hợp tác thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Bình Định và Ấn Độ là rất lớn.
Tuy nhiên, hoạt động giao thương giữa Bình Định với Ấn Độ thời gian qua là chưa cao (trong 5 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 1,1 triệu USD). Mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định sang thị trường Ấn Độ thì sản phẩm hàng rau quả là sản phẩm có thế mạnh; tiếp đến là sản phẩm may mặc – đây được xem là mặt hàng mới trong những năm trở lại đây.
Về thu hút đầu tư từ Ấn Độ, toàn tỉnh chỉ có 4 dự án của các nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3,6 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nổi bật là Dự án Nhà máy chế biến hạt dẻ và hạt óc chó của Công ty TNHH Olam Việt Nam với vốn đầu tư 2,6 triệu USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, với xu thế tất yếu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tỉnh Bình Định đã đột phá trong việc đi đầu cả nước về hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ đầu tiên tại Việt Nam.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang dần thu hút sự chú ý toàn cầu, trên đà trở thành một trung tâm AI, đặc biệt là khi nói đến nhân tài công nghệ.
Do vậy, Chủ tịch tỉnh Bình Định đánh giá “việc hợp tác phát triển lĩnh vực AI giữa hai bên là phù hợp với nhu cầu, chiến lược hợp tác”.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định mong muốn thời gian tới, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh hợp tác, kết nối các doanh nghiệp Ấn Độ thúc đẩy, triển khai các hoạt động thương mại và xúc tiến đầu tư giữa hai bên.
Nhiều dư địa hợp tác
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ với tỉnh Bình Định thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên, khi các nhà đầu tư Ấn Độ hiện có 4 dự án đầu tư tại Bình Định.
Trong khi, dư địa cho hợp tác đầu tư trong các ngành lĩnh vực tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y tế, nông nghiệp công nghệ cao…
Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tin tưởng rằng tỉnh Bình Định sẽ thực sự trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư Ấn Độ. Ảnh: DTD. |
Song, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng với lịch sử truyền thống hào hùng, tiềm năng lợi thế riêng có của mảnh đất “trời văn đất võ”, đặc biệt là tinh thần vượt khó, tự lực tự cường; tỉnh Bình Định sẽ thực sự trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Ấn Độ.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng các bộ ngành hỗ trợ Bình Định biến ý tưởng và quyết tâm phát triển của tỉnh thành hiện thực, đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và triển khai hoạt động đầu tư để các doanh nghiệp Ấn Độ tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại tỉnh Bình Định…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập.
Phát biểu tại hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ đã có dịp đến thăm TP. Quy Nhơn nhiều lần và nhận thấy rằng nơi này có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp lớn và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất.
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác; cam kết tiếp tục vai trò cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ các lĩnh vực đa dạng của Ấn Độ vào Việt Nam.
Dịp này, UBND tỉnh Bình Định và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác.
Ngoài ra, 4 bản ghi nhớ hợp tác cũng được ký kết giữa các hiệp hội, doanh nghiệp tỉnh Bình Định với các hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ. Bao gồm biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định và Tổ chức Thương mại Kinh tế Ấn Độ IETO; Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định và Hiệp hội Điều hành Tour du lịch Phật giáo; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Hiệp hội Các ngành công nghiệp quy mô nhỏ Orissa; Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Tường Minh Bình Định, Trường Đại học Quy Nhơn với Hiệp hội Robotics Ấn Độ.