Báo cáo tại Đại hội, ông Đinh Văn Lung – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, cho biết: Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sinh sống ở 33 xã, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc khu vực III), diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Có 39 thành phần dân tộc. Đến cuối năm 2023, có 11.446 hộ/47.784 người, chiếm khoảng 2,99% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na, Hrê. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS (so với số hộ đồng bào DTTS) cuối năm 2023 là 4.603 hộ/11.446 người, chiếm 40,21% (giảm 23,79% và 2.291 hộ so với cuối năm 2018).
Theo đó, từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng vùng DTTS trên 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, với tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng. Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu.
Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách xã hội trong vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, đặc biệt là về giáo dục và y tế. Các trường bán trú đã xây dựng bếp ăn và các công trình phụ trợ khác để phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi, học tập ổn định cho học sinh. Trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa. Toàn bộ dân cư nông thôn DTTS và miền núi sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45,6% tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân 4,76%/năm, đạt và vượt kế hoạch (từ 1,5 – 2%/năm)…
Những vấn đề về công tác dân tộc cần được nghiên cứu, đẩy mạnh trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa bền vững; trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp còn khá lạc hậu, chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương; sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, phát triển chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng tính đồng bộ chưa cao; số xã vùng đồng bào DTTS chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều (21/22 xã); tỷ lệ hộ nghèo vùng bồng bào DTTS còn cao so với bình quân chung của tỉnh (đến cuối năm 2023: còn 4.603 hộ đồng bào DTTS nghèo/11.446 hộ đồng bào DTTS, chiếm 40,21%).
Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở một số nơi vẫn còn, chậm được khắc phục. Công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn chậm.
Phát biểu tại Đại hội, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình về đào tạo nghề, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và canh tác; giảm nghèo bền vững, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, địa phương, các dân tộc trong tỉnh.
Tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vận động đồng bào giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ các hủ tục. Đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo… của các thế lực phản động nhằm lừa gạt, lôi kéo, kích động gây rối trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị trong thời gian tới các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quan tâm nghiên cứu, cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm chắc mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS, từ đó tham mưu có hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là các chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho đồng bào DTTS. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe đại diện những điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc tham luận. Đồng thời, chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm thực tế thực hiện Chương trình MTQG; kinh nghiệm phát huy vai trò Người có uy tín trong công tác vận động đồng bào DTTS góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông, bày tỏ: Tôi rất vui mừng vì những gì tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua. Tôi đánh giá cao với các mục tiêu và nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện công tác dân tộc, các chính sách dân tộc giai đoạn 2024 – 2029 đã được xác định trong báo cáo chính trị Đại hội.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thứ 2: Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh.
Thứ 3: Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS, nhất là ở các xã biên giới, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người DTTS tại chỗ, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn; phát huy vai trò của Người có uy tín và mọi tầng lớp Nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Thứ 4: Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Chủ động giải quyết tốt mọi mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản, cụm dân cư đoàn kết, bình yên và phát triển.
Thứ 5: Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; xóa bỏ các hủ tục; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người DTTS; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường sinh thái.
Cuối cùng là chú trọng xây dựng, vun đắp khối Đại đoàn kết các dân tộc. Cần phát huy tính tự lực, tự cường của các dân tộc và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng và chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh Bình Định thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ IV, năm 2024, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và các sự kiện chính trị, lịch sử lớn của đất nước.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, tỉnh Bình Định sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Dịp này, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho 6 tập thể; cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam.
Tại Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 – 2024.