Sáng 8-12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM, Sở VH-TT TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TPHCM”.
Hội thảo là một trong các hoạt động văn hóa – khoa học giá trị, ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013 – 2023).
Tham dự hội thảo có Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận, các đại biểu đại diện Sở Du lịch TPHCM, Sở VH-TT các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Thuận, Hậu Giang, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ…
Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã cùng tham quan khu trưng bày chuyên đề “Đờn ca tài tử Nam bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, thưởng thức các tiết mục trình diễn đờn ca tài tử hấp dẫn.
Hội thảo đã nhận được 26 bài tham luận và nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa và nghệ nhân đối với hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TPHCM.
Các bài tham luận và ý kiến đóng góp tập trung nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, việc thực hành truyền dạy, sáng tác bài ca mới, tổ chức trình diễn và quảng bá ở các điểm du lịch và trên các phương tiện truyền thông đã được thành phố quan tâm và đầu tư. Qua đó, từng bước phát triển phong trào đờn ca tài tử, tạo nền tảng vững chắc cho sự hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật của cư dân thành phố trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ ở TPHCM.
Song song với hội thảo khoa học, Bảo tàng TPHCM thực hiện trưng bày chuyên đề “Đờn ca tài tử Nam bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, với hơn 120 tư liệu, hình ảnh và hiện vật. Nội dung trưng bày gồm 3 phần: Đờn ca tài tử Nam bộ – quá trình hình thành và phát triển; Đờn ca tài tử Nam bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đời sống văn hóa của người dân TPHCM; Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Đờn ca tài tử Nam bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực gửi đến ban tổ chức – Sở VH-TT TPHCM với mong mỏi, trong thời gian tới, TPHCM, Sở VHTT TPHCM cùng các sở, ngành, cơ quan quản lý văn hóa có những đề án, kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TPHCM, giúp phong trào đờn ca tài tử lan tỏa và phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và nhân rộng đội ngũ làm nghề tài năng, nhiệt huyết, nhiều lứa tuổi.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, cụ thể:
TS – NNND Hoàng Tấn: TPHCM cần chú trọng hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển các CLB đờn ca tài tử, bảo tồn và phát triển đối với nguồn nhân lực. Nên có quỹ phát triển để bảo trợ, duy trì, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống xã hội. Cần có chính sách chỉ đạo, chủ trương cụ thể, để các cơ quan quản lý văn hóa thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tốt hơn.
Thạc sĩ Hoàng Sơn Giang (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ – Thành Đoàn TPHCM): TPHCM nên đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thông qua công tác phát triển loại hình du lịch văn hóa, phục vụ du khách sẽ giúp phát huy giá trị đờn ca tài tử dân tộc trong đời sống. Cần khai thác điểm diễn cố định hàng tuần cho các CLB luân phiên biểu diễn tại khu trung tâm TP, phố đi bộ, đường sách Nguyễn Văn Bình… phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước: Cần chú ý hiện tượng tam sao thất bản trong đờn ca tài tử, để tránh việc người đi sau hiểu sai, hiểu chưa đúng về nghệ thuật đờn ca tài tử. Một số giải pháp nên chú trọng thực hiện: Có chính sách hỗ trợ cho các CLB về kinh phí, đào tạo kế thừa, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ trẻ; các công ty du lịch đưa đờn ca tài tử vào các chương trình du lịch; tăng cường tổ chức hoạt động sáng tác lời mới, phù hợp thời đại…
Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu: Sở đang phối hợp khảo sát các địa điểm, để qua đó có thể đưa các hoạt động biểu diễn văn hóa phi vật thể vào trong đình, chùa, phục vụ du khách tham quan. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp các bảo tàng các tour đêm tại TPHCM có biểu diễn đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương hoặc hát bội…
PGS-TS Hà Minh Hồng: Làm sao để có thể tập huấn ngay cho đội ngũ giáo viên các trường phổ thông về nghệ thuật đờn ca tài tử để các cô truyền dạy cho học sinh hiệu quả hơn.
Giám đốc TTVH Hòa Bình, soạn giả Tô Trung Kiệt: Đề nghị nghiên cứu đưa vào trường dạy học tiết học tài tử, cổ truyền, giới thiệu quảng bá, nâng cao kiến thức cho học sinh. Qua các chương trình học tập, rèn luyện từ nhà trường sẽ sàng lọc, tìm hạt nhân năng khiếu để đào tạo. Cần có chủ trương và nguồn kinh phí cho đề án đào tạo truyền nghề, tổ chức biểu diễn mang tính lâu dài.
THÚY BÌNH