SGGP
Đó là tựa đề bài của báo The Diplomat viết về thành tựu kinh tế Việt Nam từ sau thời kỳ Đổi mới đến nay.
TPHCM – trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Getty đăng trên báo The Independent, Anh |
Theo bài báo, Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những nền kinh tế nghèo nhất toàn cầu sang một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.
Bài báo cho rằng sau sự kiện lịch sử năm 1975, nền kinh tế Việt Nam đã gặp những vấn đề phát triển nghiêm trọng do sự thiếu hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hậu quả chiến tranh còn sót lại và tỷ lệ năng suất thấp khiến đất nước phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Những thiếu sót trong quản lý kinh tế và bối cảnh căng thẳng toàn cầu đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng GDP là 2,8% năm 1985 và tỷ lệ lạm phát 378% năm 1986.
Tuy nhiên, vào năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình sử dụng các lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực.
Những cải cách, được gọi là Đổi mới, đã khuyến khích công nghiệp tư nhân, công nhận quyền sử dụng đất đai của tư nhân và bãi bỏ nền nông nghiệp tập thể.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu thực hiện cải cách, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trong khu vực, với tỷ lệ nghèo trên 70%. Đến năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 2,23% và hơn 10 triệu người đã thoát nghèo chỉ trong những năm 2010. GDP bình quân đầu người của đất nước cũng tăng hơn 10 lần, từ dưới 300 USD vào những năm 1980 lên 3.718 USD vào năm 2021.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm qua, khiến nước này trở thành điểm đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn. Do nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, chi phí lao động thấp nên Việt Nam đã trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn. Bài báo cho rằng có thể kỳ vọng dự báo kinh tế của Việt Nam có xu hướng ngày càng tích cực trong những năm tới.
Việt Nam cũng đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dệt may, giày dép và sản xuất điện tử. Các công ty lớn như Adidas, Nike và Samsung, cùng nhiều công ty khác hiện đã có cơ sở sản xuất ở đất nước này. Không có gì ngạc nhiên khi FDI của Việt Nam đã tăng hơn 200 lần so với năm 1986 (từ 40.000 USD năm 1986 lên khoảng 27,72 tỷ USD vào năm 2021).
Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 19% từ năm 2020 đến năm 2021. Nhiều công ty lớn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh ổn định.
Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất điện tử nổi tiếng có hợp đồng với tất cả các công ty công nghệ lớn, bao gồm Apple, tuyên bố đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở miền Bắc.
Gần đây, Google thông báo kế hoạch chuyển một nửa dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft đã sản xuất một số sản phẩm Xbox tại đây…