Với hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa niên đại khoảng thế kỷ XVIII – XIX gồm các di tích tôn giáo tín ngưỡng, di tích của đô thị Sài Gòn; hàng chục di tích lịch sử , cách mạng của thế kỷ XX, Sài Gòn – TPHCM vẫn được coi là một “vùng đất mới ba trăm năm”, một “thành phố trẻ”…
Hình ảnh Sài Gòn xưa
Thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn từ khi hình thành và trong quá trình phát triển luôn gắn liền với khu vực sản xuất thủ công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lúa gạo và nông sản là loại hàng hóa quan trọng bậc nhất. Chừng đó yếu tố cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài đã biến Sài Gòn-Chợ Lớn trở thành một đô thị-thương cảng kiểu phương Tây: Từ hạ tầng cơ sơ như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hóa đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động…).
Những kiến trúc lớn như Trụ sở Công ty Vận tải biển Hoàng Gia (Bến Nhà Rồng), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Tòa án, Trụ sở UBND Thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu do cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nhưng không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua…
Đặc biệt, Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, xưa nhất phải kể đến là công xưởng Ba Son được xây dựng trên cơ sở Xưởng Thủy từ cuối thế kỷ XVIII. Từ cuối thế kỷ XIX nhiều nhà máy, công xưởng đã được xây dựng tại đây, Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam.
Bản sắc văn hóa của đô thị Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh gồm những đặc trưng của đô thị, từ cảnh quan tự nhiên đến văn hóa của cộng đồng.
Đô thị sông nước
Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài Gòn là cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ đồng bằng sông Cửu Long lên Cảng Sài Gòn để xuất khẩu. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.
Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh họat buôn bán, cảnh quan văn hóa đặc trưng: sông – bến chợ – phố chợ ven sông – làng ven sông – giao thông đường thủy – ghe thuyền – cầu qua sông…
Hiện nay đại lộ Đông Tây được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu giao thông và mang lại hiện đại cho thành phố, nhưng trả giá cho việc này là dọc hai bên sông – cũng là dọc theo đại lộ, những dãy nhà phố buôn bán biến mất, những tòa cao ốc đã và đang mọc lên. Vẻ đẹp cổ xưa “trên bến dưới thuyền” sầm uất mà hồi giữa thế kỷ XX vẫn còn được ghi nhận đã không còn nữa.
Đô thị của sự đa dạng văn hóa
Sài Gòn có một hệ thống sông lớn và có cửa biển Cần Giờ nên đây là một cảng thị từ rất sớm, cũng là nơi có sự giao lưu mạnh mẽ với các quốc gia khác qua đường biển. Từ thế kỷ XVII nhiều cư dân từ nơi khác đến khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với những tộc người bản địa. So với Hà Nội hay Huế thì di tích lịch sử ở Sài Gòn không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc-trang trí thể hiện sự giao lưu văn hóa đậm nét. Từ những con người của Sài Gòn và sống – ở – Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn.
Quá trình lịch sử và hoàn cảnh xã hội đã tạo nên tính cách “người Sài Gòn” có thể là đại diện cho “người Nam bộ”: Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành sự tư lợi mà ngược lại là cơ sở cho tính cộng đồng cao, việc xã hội, “việc nghĩa” được coi là chuyện bình thường. Vì vậy dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.
Sài Gòn được xây dựng theo kiểu đô thị phương Tây
Lấy sông Sài Gòn làm chuẩn các đường phố ngang dọc chia đô thị Sài Gòn (vốn trải dài ven sông, kênh rạch) thành những ô vuông, trong đó là các công sở, biệt thự, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác. Những công trình kiến trúc dành cho công sở cho đến nay vẫn còn giữa được công năng, cảnh quan khu trung tâm Thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố, là “dấu ấn Sài Gòn” đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Đến Sài Gòn ai cũng phải đến Nhà thờ Đức bà, Bưu điện, Nhà hát lớn, Ủy ban nhân dân, khu Eden, thương xá TAX, Chợ Bến Thành… và khu trung tâm Nguyễn Huệ-Lê Lợi-Hàm Nghi. Đó là nơi “lắng hồn” đô thị Sài Gòn.
Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế-văn hóa, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé-Gia Định, một đô thị Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh luôn thể hiện bản sắc văn hóa “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
TS. Nguyễn Thị Hậu
Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh