Tết trong mỗi người đều mang một hương vị riêng, được hun đúc từ muôn vàn trải nghiệm. Và cũng chính hương vị đó, theo năm tháng, lại được vun bồi qua lăng kính thời gian, theo dòng lịch sử.
Quý độc giả thân mến!
Khi còn nhỏ, trải nghiệm vài mùa xuân đầu đời cho ai đó những rung cảm về cái tết lung linh sắc màu, bằng tâm hồn tinh khiết, hồn nhiên. Đến lúc trưởng thành, qua hai hay ba mươi cái tết, thì xuân về có khi nôn nao được đoàn viên, sum họp, cũng có khi đầy hoài niệm về người thân đã không còn cạnh bên. Vậy, với những ai đã đi qua hơn 90 mùa xuân, liệu tết có còn dạt dào xúc cảm?
Cánh thư tay
Cuộc thi viết Tết nay – Tết xưa, do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, đã nhận được câu trả lời cho câu hỏi còn bỏ ngỏ ấy vào một ngày nắng đẹp. Phong thư đến như gieo duyên vào ngày 11-3-2024, tức 2 ngày sau khi cổng nhận bài dự thi qua thư điện tử (email) đã đóng. Bì thư đề rõ “Bài dự thi Tết nay – Tết xưa”, ngày gửi 8-3-2024. Vẫn còn hợp lệ!
Bên trong, trang giấy học trò thẳng tắp những nét chữ mà chủ nhân rõ ràng là người từng trải. Những dòng viết tay hoài niệm về cái tết sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Cái tết độc lập đầu tiên của dân tộc được tác giả trải nghiệm tại vùng đất quê hương Quảng Trị, cũng là quê nhà của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cái tết mà lòng người rộn ràng, sung sướng, tiếng pháo tự do rền vang, cờ đỏ sao vàng tung cánh gần 80 năm về trước.
Vậy nhưng, không giống những bài dự thi với hình thức con cháu nhập vai ông bà để kể về tết xưa mà tòa soạn đã nhận được, bài viết này… rất khác.
Trao truyền ký ức tết xưa, viết tiếp dòng lịch sử
Những hoài niệm, ấn tượng sâu đậm về cái tết trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được chính tác giả nắn nót gửi trao qua từng dòng thư tay. Từng mảnh ghép của tết xưa với bói Kiều, xin keo, phong pháo,… được gói ghém trong miền ký ức, nay được tái hiện đầy sống động trong bài dự thi. Người kể chuyện rõ ràng đã đi qua đủ thăng trầm để hiểu giá trị của cái tết độc lập mà “đêm giao thừa có Chủ tịch nước chúc tết, có công nghệ thông tin, có truyền hình mới biết người dân khắp trong nước và người Việt xa xứ ăn tết ở nước ngoài như thế nào”.
Cuối thư, tác giả giới thiệu mình sinh năm Canh Ngọ 1931!
“Người còn sống như tôi, cả nước không biết bao nhiêu người để biết và nhớ lại cái tết năm xưa. Tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dặn: “Dân ta phải biết sử ta…” để kể lại cho lớp trẻ nghe, để bảo vệ quê hương, Tổ quốc”.
Một độc giả đã ngoài 90, vẫn dõi theo từng bước đi của Sài Gòn Giải Phóng và hưởng ứng cuộc thi, với tâm ý của người trao truyền ký ức cho thế hệ trẻ, thật sự là món quà vô giá, là nguồn động viên to lớn mà cuộc thi đã nhận được. Và bài dự thi viết tay tưởng như đến muộn này, đã kịp thời đến nơi cần đến, để trở thành mảnh ghép cuối cùng, khép lại vòng sơ khảo của cuộc thi một cách thật trọn vẹn.
LỘC AN