SGGP
“Nhờ đầu tư áp dụng công nghệ mới, cá cảnh của công ty cũng như nhiều đơn vị tại TPHCM đã có chỗ đứng ở một số thị trường khó tính thuộc châu Âu, Mỹ”, ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Công ty Sinh vật cảnh Thiên Đức (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM), thông tin. Ông Thiện khoe, những tháng đầu năm 2023, dù thị trường cá cảnh thế giới trầm lắng, nhưng mỗi tháng, ngành cá cảnh TPHCM xuất khẩu tổng trị giá hơn 1 triệu đô la.
Mô hình trồng rau theo công nghệ cao của HTX Tuấn Ngọc đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước |
Nông dân công nghệ cao
Sản phẩm nông nghiệp của nông dân TPHCM không những được người tiêu dùng trong nước tin cậy mà còn xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm đều được nhà nông sản xuất theo quy trình công nghệ cao, có được thương hiệu như xoài Cần Giờ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; dưa leo, cà chua bi trong nhà lưới của nông dân quận Bình Tân; rau mầm và rau ăn lá thủy canh từ TP Thủ Đức; các loại hoa lan của nông dân các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…
Tuổi ngoài 60, nông dân Trần Thị Phải (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) tự hào khoe về hệ thống nhà lưới trồng rau nhà mình. Hệ thống nhà lưới của bà rộng gần 500m2, khép kín từ ủ giống, xử lý giá thể bằng máy, đến phòng cắt rau, phun sương tự động… Từ chỗ chỉ có rau muống, cải, nay loại mầm rau bổ sung thêm củ cải đỏ, củ cải trắng, hướng dương. Sản phẩm nông nghiệp của gia đình bà hiện đã có mặt tại các siêu thị lớn.
Ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, gia đình thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thảo nổi tiếng với sản phẩm hoa lan Dendrobium, nhập từ Thái Lan. Vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới và tưới phun tự động khi chuyển đổi 1.800m2 đất trồng lúa sang trồng lan. Nhận thấy cần đầu tư hơn, chị đã mạnh dạn hợp tác với phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để chủ động nguồn giống cung cấp cho vườn lan. Bây giờ, nhà nông Trần Thị Ngọc Thảo đã thành danh với sản phẩm hoa lan Dendrobium với khoảng 40 màu và hoa ra đều quanh năm, cung cấp cho thị trường từ 300-500 cây/ngày, còn dịp lễ, tết lên đến 1.000-1.200 cây/ngày.
Trong khi đó, anh Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tuấn Ngọc (phường Long Trường, TP Thủ Đức), lại thành công với mô hình ứng dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống công nghệ tưới tiêu tự động trong việc trồng rau thủy canh đạt chất lượng VietGAP. Anh Tuấn cho biết, HTX quản lý sản xuất khu nhà lưới 10.500m2, cho sản lượng 320 tấn/năm, doanh thu 4,9 tỷ đồng. Công nghệ mới đã nâng cao năng suất trồng trọt, từ 60kg/ngày/1.000m2 theo cách trồng truyền thống lên 100-120kg/ngày/1.000m2 theo phương pháp thủy canh công nghệ cao. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm cung cấp ra thị trường…
Tiếp sức cho nhà nông
Sự đột phá, đầu tư vào công nghệ cao của người nông dân được hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác và Quỹ hỗ trợ nông dân TPHCM. Nhà nông được vay vốn 100 triệu đồng/hộ, 2 tỷ đồng/nhóm dự án, với lãi suất 7,8%/năm để đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Quỹ hỗ trợ nông dân đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho nhiều nhà nông đầu tư công nghệ, làm giàu. Như chia sẻ của nông dân Trần Thị Phải, với sự tiếp sức về vốn vay từ hội nông dân, kỹ thuật và quy trình sản xuất rau VietGAP của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT TPHCM, sản phẩm rau mầm của gia đình đã vào hệ thống siêu thị MM Mega Market, AEON mall.
Hội Nông dân TPHCM còn xây dựng mô hình, hỗ trợ thành lập các HTX để xã viên giúp nhau tiếp cận, làm chủ công nghệ, cùng nhau làm ăn. Tiếp theo sự thành công của HTX Tuấn Ngọc, nhiều HTX nông nghiệp được thành lập, với nhiều lĩnh vực khác nhau. HTX cá cảnh Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, với 9 thành viên, và ngành nghề chính là nuôi cá cảnh, sản xuất thức ăn cho cá cảnh. HTX nông nghiệp công nghệ cao Trung Đông (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) với 8 thành viên, có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, chuyên trồng rau, quả các loại và trồng hoa. Ông Trang Trung Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trung Đông, cho biết, HTX đẩy mạnh hỗ trợ và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, các hộ sản xuất.
Trao đổi với Báo SGGP, đại diện Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho biết, địa phương hiện có 28 HTX, trong đó có 19 HTX liên quan đến nông nghiệp. Các HTX chú trọng những lĩnh vực mà hội viên nông dân đang có nhu cầu như: cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử. Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân kỳ vọng, ban chủ nhiệm HTX và các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của các quận, huyện, TP Thủ Đức mạnh dạn nghiên cứu, thực hiện và nhân rộng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, tham gia sản xuất nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng như rau, hoa, cây cảnh, tôm nước lợ, cá cảnh… Cùng với Quỹ hỗ trợ nông dân TPHCM, các HTX, câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi là những “bà đỡ”, hỗ trợ nông dân TPHCM tiếp cận công nghệ, giúp nhau làm giàu.