Zalo
Facebook
Twitter
Lưu bài viết
Bản in
Copy link
Nhận lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh chính tham dự WEF Davos và là lần thứ 4 dự các Hội nghị WEF trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và WEF
Từ khi Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 2 lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân/Đại Liên (2023, 2024); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ).
Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023) và chuyến thăm Việt Nam của Giáo sư Klaus Schwab (tháng 10/2024).
Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng: Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo.”
Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.
Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (26/6/2023) với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước.”
Tại Hội nghị WEF Davos 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 3 (16/1/2024) với chủ đề “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam.”
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, Việt Nam và WEF đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab.
Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới.
Biên bản ghi nhớ tập trung vào hợp tác trong 6 lĩnh vực gồm: đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư C4IR ngày 25/9/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 19 của WEF trên toàn thế giới và Trung tâm thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại buổi khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư C4IR tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Trung tâm ra đời là kết quả của việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.
Cùng với đó, Trung tâm thể hiện sự hội nhập sâu rộng và tham gia của Việt Nam cùng thế giới thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thể hiện vai trò tiên phong của Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này, đồng thời thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, niềm tự hào, khát vọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khẳng định mối quan hệ khăng khít giữ Việt Nam và WEF với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện có hiệu quả thực tế.”
Yêu cầu Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, hoạt động sáng tạo, Thủ tướng gửi gắm Trung tâm hoạt động với 20 chữ: “Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân.”
Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
Việc WEF liên tục mời Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị toàn cầu của WEF cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam.
Việc tham dự hội nghị của WEF cũng thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu, chia sẻ quan điểm về tư duy phát triển, quản trị toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến sâu sắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 với chủ đề “Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh” được Ban lãnh đạo WEF và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu rất trông đợi. Đây là cơ hội quan trọng để cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp lớn được trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về những định hướng, ưu tiên phát triển, những cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn thế giới chuyển đổi sâu sắc hiện nay.
Thủ tướng sẽ truyền tải những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong 20 năm tới.
Thủ tướng sẽ truyền tải những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong 20 năm tới.
Với những trao đổi sâu sắc tại Hội nghị có sự tham dự của hơn 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới, chúng ta cũng kịp thời nắm bắt những xu thế phát triển của thời đại, những dòng chảy đang định hình kỷ nguyên thông minh, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp để tận dụng thời cơ và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ những xu thế mới.
Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ chủ trì nhiều cuộc trao đổi về những chủ đề thiết thực, gắn với yêu cầu phát triển đất nước hiện nay, nhất là thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), đầu tư cho đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, ứng dụng AI trong sản xuất thông minh, phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chính Minh, ứng dụng AI và các công nghệ mới trong ngành y tế và dược phẩm…
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến công tác tham dự Hội nghị WEF Davos của Thủ tướng Chính phủ là hoạt động đối ngoại đa phương mở đầu một năm đối ngoại đa phương hết sức sôi động của Việt Nam.
Chúng ta tin tưởng qua hội nghị này, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng đinh vai trò là một đối tác tin cậy, một thành viên tích cực, có trách nhiệm và đầy tiềm năng của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên thông minh, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho nhân loại.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN…
Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu-học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.