Powered by Techcity

Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay

1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế di sản của Việt Nam giai đoạn vừa qua

Bất kỳ di sản nào cũng đều có giá trị kinh tế, giá trị đó không thể hiện một cách thông thường trên thị trường, mà nó thường thể hiện ngầm ẩn hoặc gián tiếp qua các giá trị khác. Xuất phát từ giá trị mang tính biểu tượng, để tạo ra giá trị mang tính kinh tế, các giá trị của di sản thiên nhiên và văn hóa phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác, rồi mới đưa ra thị trường. Như vậy, có thể nhận diện kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa, thiên nhiên để phát triển kinh tế, vậy nên phải nhận thức nó trên phương diện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi ích kinh tế.

Từ góc độ lý luận, kinh tế học di sản được phát triển dựa trên hai tiên đề. Thứ nhất, di sản đó phải tồn tại hiện hữu; Thứ hai, di sản đó phải mang lại mang lại sự hài lòng của các cá nhân đối với di sản đó, thông qua cảm nhận về biểu tượng, thẩm mỹ, lịch sử… Nói cách khác, giá trị kinh tế của di sản phản ánh mức độ hài lòng (thỏa dụng) của một cá nhân đối với di sản đó(1).

Từ góc độ thực tiễn, nếu như quản lý, bảo tồn di sản nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư để bảo vệ, giữ gìn, khôi phục và quản lý di sản là chủ yếu, việc phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì kinh tế di sản lại nhấn mạnh đến khai thác giá trị kinh tế, nhưng không có nghĩa là không coi trọng việc bảo tồn, bởi phải bảo tồn được di sản thì mới có nền tảng để phát triển kinh tế di sản.

Tựu chung lại, kinh tế di sản là khái niệm kết hợp giữa kinh tế học và việc quản lý, khai thác di sản để tạo ra giá trị kinh tế. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, trong đó các di sản không chỉ được coi là tài sản cần bảo tồn mà còn là nguồn tài nguyên kinh tế có thể khai thác thông qua du lịch, dịch vụ và các hoạt động kinh tế khác.

Thực tiễn cho thấy, việc khai thác các tiềm năng và lợi thế về văn hóa, thiên nhiên sẵn có như nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là thực tế đã và đang diễn ra, nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi hài hòa được lợi ích của người dân – chủ thể của di sản với việc bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản. Cũng chính vì vậy mà khi phát triển kinh tế di sản thì phải nhận thức và hành động theo một chương trình phát triển đặc thù, phải đặt vấn đề trên ba khía cạnh bao gồm: Giá trị kinh tế của di sản – Bảo tồn và khai thác, phát triển bền vững di sản – Nâng cao tính cộng đồng trong kinh tế di sản, sao cho thúc đẩy kinh tế di sản phục vụ lợi ích cộng đồng, thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động khai thác, nhưng đồng thời cũng phải tránh làm tổn hại đến di sản.

Trong quá trình phát triển của đất nước, kinh tế di sản có vai trò quan trọng. Với vai trò về xã hội, kinh tế di sản có tác động tích cực trên các mặt như góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tạo ra sự gắn kết giữa các thế hệ, từ đó gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, phát triển kinh tế di sản bền vững cũng giúp đảm bảo rằng người dân địa phương được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế mà không làm tổn hại đến tài nguyên và môi trường, đồng thời gìn giữ các di sản đó cho thế hệ tương lai.

Trong hội nhập quốc tế, kinh tế di sản thể hiện vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế quốc gia, tạo ra những giá trị kinh tế, xã hội bền vững, những dấu ấn riêng trong hoạt động du lịch và là công cụ thúc đẩy ngoại giao văn hóa và hợp tác quốc tế.

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, kinh tế di sản còn là nguồn lực to lớn, là động lực phát triển kinh tế và xã hội. Thông qua du lịch văn hóa, bảo tồn di sản và các hoạt động kinh doanh liên quan, kinh tế di sản đã tạo ra nguồn thu lớn cho nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương và quốc gia, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và đặc biệt là tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hợp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng, hoàn thiện và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Luật Di sản văn hóa được thông qua năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc(2). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Luật cũng quy định về việc quản lý, bảo vệ và sử dụng di sản văn hóa để phục vụ cho phát triển kinh tế và xã hội, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của Việt Nam. Trên cơ sở Luật định, hầu hết các địa phương đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030(3) cũng đã xác định rõ mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có việc khai thác hiệu quả các di sản văn hóa để phục vụ cho phát triển kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc hỗ trợ các địa phương có di sản trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Từ đó, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các khu du lịch gắn với di sản văn hóa. Các chính sách này giúp thúc đẩy quá trình bảo tồn di sản, đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị kinh tế từ di sản thông qua các hoạt động du lịch.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976, đã tham gia Công ước 1972 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 1987 và đến năm 2005, Việt Nam tiếp tục tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các dự án hợp tác quốc tế, các chương trình hỗ trợ của các tổ chức như UNESCO, UNDP cũng đã đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có gần 40 nghìn di tích, trong đó có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.486 di tích quốc gia (107 di tích quốc gia đặc biệt(4)); có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 433 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2023, Việt Nam có 194 bảo tàng, với 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập. Nhà nước công nhận 237 hiện vật và nhóm hiện vật được là bảo vật quốc gia. Trên phương diện kinh tế, các Di sản văn hóa, đặc biệt di sản thế giới ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Các khu di sản văn hóa Việt Nam đang ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, chủ yếu nhờ vào việc khai thác tiềm năng du lịch, kết hợp với các hoạt động kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc từ các làng nghề, ẩm thực truyền thống.

Một số mô hình đã được triển khai thành công như quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình – phát triển kinh tế di sản thông qua du lịch bền vững, phát triển du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa và thiên nhiên. Việc khai thác du lịch tại Tràng An đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và góp phần ổn định thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Hay như Phố cổ Hội An – một mô hình thành công về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời phát triển kinh tế thông qua du lịch, điểm đến tham quan của các làng nghề thủ công truyền thống, từ làm đèn lồng, may mặc đến nghề làm gốm, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, tạo ra nguồn thu lớn từ các hoạt động du lịch và dịch vụ. Cố đô Huế cũng là một mô hình đạt được thành công lớn trong phát triển kinh tế dựa trên di sản, các sự kiện như Festival Huế đã trở thành thương hiệu văn hóa lớn, thu hút du khách trong và ngoài nước, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho địa phương.

Nhìn nhận tổng thể, những thành tựu về phát triển kinh tế di sản từ các mô hình nêu trên nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung chủ yếu thông qua một số loại hình sau: (i) Phát triển du lịch cộng đồng, một loại hình kinh tế dựa vào di sản thiên nhiên, văn hóa; (ii) Phát triển kinh tế từ các hoạt động bảo tàng và nghệ thuật trình diễn và (iii) Phát triển kinh tế từ hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc sắc, làng nghề mang tính truyền thống.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022. Năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 52,5% so với năm trước nhiều địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Tại một số địa phương doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 đã tăng so năm trước như: Đà Nẵng tăng 133,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%(5).

Nhiều địa phương tổ chức các lễ hội văn hóa, vừa giữ gìn di sản, vừa phát triển du lịch, thương mại xung quanh lễ hội. Ngoài ra, các sự kiện quốc tế liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản (như hội nghị, triển lãm) cũng tạo ra cơ hội thương mại, thúc đẩy giao lưu văn hóa và thương mại giữa các quốc gia. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu, giải thưởng quốc tế như “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”… Mới đây nhất, nước ta tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023 tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) ở thành phố Dubai (UAE)(6). Các hoạt động này thu hút khách du lịch, tạo ra cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp địa phương về dịch vụ lưu trú, ăn uống, và bán hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống của các làng nghề.

Sự gắn kết giữa các hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng và thương mại, dịch vụ có tác dụng từng bước thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại các địa phương. Qua thời gian, sự phát triển lan tỏa của các làng nghề tiếp tục được mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động, tăng thêm thu nhập cho người dân, tác động tích cực đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thống kê cả nước ta hiện có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng hơn 2.000 làng nghề truyền thống với hàng trăm loại sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, the La Khê, đồng Ngũ Xá, gỗ Sơn Đồng, thêu Quất Động, đúc Phước Kiều, gốm sứ Bình Dương, Chu Ðậu, Phù Lãng; Gò Công; dệt Vạn Phúc; cơ khí Ý Yên; mây tre đan Củ Chi, Chương Mỹ; chạm bạc Ðồng Xâm, Ðại Bái; đá mỹ nghệ Non Nước … Các làng nghề đã thu hút hơn 3,69 triệu lao động với thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm(7). Nhiều sản phẩm làng nghề có tính nghệ thuật cao, thể hiện những sắc thái riêng, có giá trị minh chứng sự thịnh vượng của quốc gia, cũng như thể hiện những thành tựu, phát minh mà con người đạt được. Nhiều đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề đạt được danh hiệu cao quý từ những hội thi, cuộc bình chọn được tổ chức hàng năm tại các địa phương và trên cả nước.

Đồng hành cùng xu thế chung, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều Chương trình, Đề án nhằm thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền, tạo nên nét độc đáo cho du lịch Việt Nam, cụ thể: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Trong khuôn khổ triển khai các Chương trình, Đề án, các hoạt động tuyên truyền và quảng bá, xúc tiến thương mại được lồng ghép, kết hợp với hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng tại nhiều sự kiện như hội chợ tại Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Festival Huế, Lễ hội Đền Hùng… Nhờ đó, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề đặc sắc, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP đã được đánh giá cao và có mặt tại nhiều điểm đến du lịch ở các địa phương, trở thành những hàng hoá hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu đến 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

2. Một số khó khăn, thách thức

Sự giao thoa văn hóa, tác động của toàn cầu hóa và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để khai thác tiềm năng của di sản trong việc thúc đẩy kinh tế, mặc dù đã đạt những kết quả quan trọng như đã nêu ở trên, nhưng kinh tế di sản Việt Nam cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, thách thức về sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, việc khai thác di sản để phục vụ và phát triển kinh tế có thể gây ra những tác động tiêu cực, làm biến dạng, hư hỏng hoặc suy giảm giá trị nguyên bản của các di sản, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có quá tải du lịch, làm tăng áp lực lên hạ tầng và môi trường, dẫn đến sự tổn hại, xuống cấp của các công trình di sản. Ngoài ra, xu hướng thương mại hóa kinh tế di sản, tập trung vào việc kiếm lợi nhuận mà không chú trọng đến bảo tồn giá trị văn hóa sâu sắc, khiến các di sản bị biến đổi theo hướng không mong muốn.

Thứ hai, thiếu nguồn lực và kinh phí cho bảo tồn và phát triển di sản, mặc dù đã có những chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho việc bảo tồn di sản, nhưng nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, việc huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chưa được phát triển mạnh mẽ. Nhiều di sản vẫn chưa có mô hình quản lý hiệu quả để tạo ra nguồn thu ổn định phục vụ cho bảo tồn.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh tế di sản chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển. Mặc dù đã được đầu tư đáng kể những năm gần đây, nhưng chất lượng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế di sản nói riêng còn tương đối hạn chế, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đến các điểm di sản nhiều nơi chưa đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng…) chưa được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến.

Thứ tư, Việt Nam vẫn chưa khai thác tối đa sự liên kết giữa công nghiệp, thương mại và văn hóa để phát triển kinh tế di sản. Đầu tư cho công nghệ sản xuất, hoạt động quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu di sản, sản phẩm truyền thống chưa theo kịp nhu cầu phát triển.  Các sản phẩm truyền thống của các làng nghề của Việt Nam – một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của kinh tế di sản – đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, bởi sản phẩm của họ có giá thành rẻ hơn và mẫu mã đa dạng, khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói, xuất xứ nguồn gốc… trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa được tiêu chuẩn hóa, chất lượng và mẫu mã chưa ổn định, dẫn đến khó khăn trong việc thâm nhập thị trường quốc tế. Hơn nữa, vấn đề thiếu thông tin, thiếu kỹ năng thương mại, chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh và không có đủ nguồn lực thiết lập các kênh phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam khiến cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống gặp khó khăn trong việc hiện diện trên thị trường quốc tế, làm hạn chế khả năng tối ưu hóa giá trị kinh tế của di sản.

Thứ năm, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản. Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý, khai thác di sản chưa được đào tạo đầy đủ về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý, gây khó khăn trong việc phát triển các dự án bảo tồn và khai thác kinh tế từ di sản.

Thứ sáu, vấn đề quản lý, phân cấp quản lý và hợp tác giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ và còn nhiều bất cập. Mặc dù có hệ thống luật pháp và chính sách bảo vệ di sản khá đầy đủ, nhưng việc thực thi chưa thực sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa, du lịch, và các tổ chức liên quan còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và sự không thống nhất trong quản lý di sản.

3. Một số gợi ý về định hướng phát triển kinh tế di sản Việt Nam thời gian tới

Để phát triển kinh tế di sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, thời gian tới cần triển khai thực hiện hiệu quả một số định hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách bảo tồn, phát triển di sản văn hóa. Việc hoàn thiện khung pháp lý là yếu tố then chốt để phát huy kinh tế di sản, cần xây dựng và ban hành những chính sách và quy định rõ ràng, hiệu quả hơn trong việc bảo tồn và phát triển di sản. Cụ thể là: (i) Cập nhật và sửa đổi các luật về bảo vệ di sản văn hóa để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và những thay đổi về kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế; (ii) Tăng cường phân cấp quản lý di sản, trao quyền cho các địa phương có di sản nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong quản lý và khai thác di sản. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thực thi chính sách bảo tồn và khai thác di sản; (iii) Khuyến khích các chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ vốn cho các dự án bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, đặc biệt là các dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương.

Thứ hai, cần có sự đầu tư hợp lý vào kết cấu hạ tầng tại các khu vực có di sản, đi đôi với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị di sản. Gồm có: (i) Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu vực di sản, như giao thông, cơ sở dịch vụ lưu trú, và các tiện ích du lịch, có tính toán cẩn trọng để vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách trong nước và quốc tế, vừa không làm tổn hại đến cảnh quan và giá trị văn hóa của di sản; (ii) Thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong các dự án bảo tồn di sản, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong việc đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ du lịch di sản.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản, trong đó tập trung vào: (i) Đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý di sản ở các cấp độ, bao gồm cả kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa, quản lý du lịch và phát triển cộng đồng; (ii) Hỗ trợ công tác nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp bảo tồn và phát triển di sản mới, sử dụng công nghệ hiện đại như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và công nghệ số để bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa; (iii) Khuyến khích sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp giải pháp cho các vấn đề bảo tồn và phát triển di sản.

Thứ tưxây dựng thương hiệu, đa dạng hóa và tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm gắn liền với di sản văn hóa Việt Nam cả trong và ngoài nước để thu hút du khách và các nhà đầu tư, cụ thể: (i) Tăng cường quảng bá di sản văn hóa thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, và các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước,  đồng thời mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp di sản ứng dụng công nghệ số trong quản lý và quảng bá sản phẩm, và tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn của trong nước và quốc tế để tiếp cận với lượng khách hàng toàn cầu; (ii) Xây dựng thương hiệu, chú trọng công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ và có chiến lược phát triển cụ thể cho các sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp Việt Nam, tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế, đồng thời bảo vệ được sản phẩm di sản khỏi việc bị sao chép và làm giả; (iii) Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm di sản, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giữa các làng nghề, nhà sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản: (i) Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác để tiếp cận nguồn tài trợ và các chương trình hỗ trợ bảo tồn di sản; (ii) Học tập, tiếp thu và áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý và khai thác kinh tế di sản từ các quốc gia có nền tảng văn hóa phát triển. Nhật Bản và Trung Quốc là 2 quốc gia tiêu biểu trong hoạt động này; (ii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, và quảng bá di sản văn hóa, đặc biệt là trong các chương trình trao đổi sinh viên, học giả, và các chuyên gia quốc tế.

Cuối cùng, tăng cường quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan chức năng và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển di sản, gắn kết phát triển kinh tế di sản với việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng.

Việt Nam, với bề dày văn hóa và hệ thống di sản phong phú, đang có tiềm năng lớn để khai thác di sản văn hóa trong phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của kinh tế di sản càng trở nên quan trọng, không chỉ giúp bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa mà còn tạo ra các cơ hội lớn về du lịch, thương mại, và phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững, cần có những đường đi, nước bước rõ ràng và đồng bộ, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, đến việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế và quảng bá hiệu quả thương hiệu di sản văn hóa Việt Nam để tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống người dân, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.                                                                        

                                                                                                Nguyễn Hồng Diên

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, ngày 22/12/2024

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/kinh-te-di-san-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-cua-viet-nam-hien-nay.html

Cùng chủ đề

Chi tiết 15 điểm bắn pháo hoa Tết 2025 ở TPHCM

TPO – TPHCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn và khu Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, đồng thời với 13 điểm bắn tầm thấp khác vào thời khắc chuyển giao năm Giáp Thìn 2024 và năm mới Ất Tỵ 2025. UBND TPHCM vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan về công tác tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Nguyên đán...

Quận 8 trao huy hiệu Đảng đợt 3/2 cho đảng viên trên địa bàn

(HTV) - Quận uỷ Quận 8 đã tổ chức buổi lễ trao huy hiệu đảng đợt 3/2/2025 cho các đồng chí Đảng viên trên địa bàn. Trong năm qua, Quận 8 đã chủ động tạo...

Chứng nhận OCOP là lợi thế cạnh tranh

Xuân Nguyên Group luôn nỗ lực góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng. Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (Xuân Nguyên Group; huyện Bình Chánh, TP HCM) thành lập từ năm 2002, chuyên sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: tinh bột nghệ, viên hà thủ ô, viên tam thất, mật ong rừng, mật ong nhân sâm… Đến cuối năm 2024, Xuân...

Chung kết cuộc thi báo chí lần thứ IX

(HTV) - Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Lễ trao Giải Búa Liềm Vàng lần thứ IX, khẳng định vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng. Tối 20/01, tại Nhà hát Hồ Gươm,...

Những dòng chảy văn hóa, lịch sử trên Vịnh Hạ Long

Được biết đến là một thắng cảnh độc nhất vô nhị ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi lại dấu ấn của những dòng chảy văn hóa, lịch sử được lưu giữ và truyền lại qua nhiều đời cư dân trên Vịnh. Những dấu vết thời tiền sử Vịnh Hạ Long và các khu vực xung quanh là nơi lưu giữ nhiều di tích khảo cổ học có giá trị, đặc biệt là...

Cùng tác giả

Chi tiết 15 điểm bắn pháo hoa Tết 2025 ở TPHCM

TPO – TPHCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn và khu Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, đồng thời với 13 điểm bắn tầm thấp khác vào thời khắc chuyển giao năm Giáp Thìn 2024 và năm mới Ất Tỵ 2025. UBND TPHCM vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan về công tác tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Nguyên đán...

Quận 8 trao huy hiệu Đảng đợt 3/2 cho đảng viên trên địa bàn

(HTV) - Quận uỷ Quận 8 đã tổ chức buổi lễ trao huy hiệu đảng đợt 3/2/2025 cho các đồng chí Đảng viên trên địa bàn. Trong năm qua, Quận 8 đã chủ động tạo...

Chứng nhận OCOP là lợi thế cạnh tranh

Xuân Nguyên Group luôn nỗ lực góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng. Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (Xuân Nguyên Group; huyện Bình Chánh, TP HCM) thành lập từ năm 2002, chuyên sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: tinh bột nghệ, viên hà thủ ô, viên tam thất, mật ong rừng, mật ong nhân sâm… Đến cuối năm 2024, Xuân...

Chung kết cuộc thi báo chí lần thứ IX

(HTV) - Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Lễ trao Giải Búa Liềm Vàng lần thứ IX, khẳng định vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng. Tối 20/01, tại Nhà hát Hồ Gươm,...

Những dòng chảy văn hóa, lịch sử trên Vịnh Hạ Long

Được biết đến là một thắng cảnh độc nhất vô nhị ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi lại dấu ấn của những dòng chảy văn hóa, lịch sử được lưu giữ và truyền lại qua nhiều đời cư dân trên Vịnh. Những dấu vết thời tiền sử Vịnh Hạ Long và các khu vực xung quanh là nơi lưu giữ nhiều di tích khảo cổ học có giá trị, đặc biệt là...

Cùng chuyên mục

Chi tiết 15 điểm bắn pháo hoa Tết 2025 ở TPHCM

TPO – TPHCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn và khu Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, đồng thời với 13 điểm bắn tầm thấp khác vào thời khắc chuyển giao năm Giáp Thìn 2024 và năm mới Ất Tỵ 2025. UBND TPHCM vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan về công tác tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Nguyên đán...

Quận 8 trao huy hiệu Đảng đợt 3/2 cho đảng viên trên địa bàn

(HTV) - Quận uỷ Quận 8 đã tổ chức buổi lễ trao huy hiệu đảng đợt 3/2/2025 cho các đồng chí Đảng viên trên địa bàn. Trong năm qua, Quận 8 đã chủ động tạo...

Chứng nhận OCOP là lợi thế cạnh tranh

Xuân Nguyên Group luôn nỗ lực góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng. Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (Xuân Nguyên Group; huyện Bình Chánh, TP HCM) thành lập từ năm 2002, chuyên sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: tinh bột nghệ, viên hà thủ ô, viên tam thất, mật ong rừng, mật ong nhân sâm… Đến cuối năm 2024, Xuân...

Chung kết cuộc thi báo chí lần thứ IX

(HTV) - Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Lễ trao Giải Búa Liềm Vàng lần thứ IX, khẳng định vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng. Tối 20/01, tại Nhà hát Hồ Gươm,...

Những dòng chảy văn hóa, lịch sử trên Vịnh Hạ Long

Được biết đến là một thắng cảnh độc nhất vô nhị ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi lại dấu ấn của những dòng chảy văn hóa, lịch sử được lưu giữ và truyền lại qua nhiều đời cư dân trên Vịnh. Những dấu vết thời tiền sử Vịnh Hạ Long và các khu vực xung quanh là nơi lưu giữ nhiều di tích khảo cổ học có giá trị, đặc biệt là...

Khám phá hang Vòm – hang Giếng Vọoc ở quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng

Doanh nghiệp được phép khai thác sản phẩm du lịch mới “khám phá hang Vòm – hang Giếng Vọoc” là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Việt Hùng. Ông Vũ Hùng – GĐ Công ty – cho biết, hiện đang khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị như đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, người vận chuyển, đầu tư trang thiết bị… để dự kiến khai trương vào cuối tháng 8.2018. Theo đó, hang Vòm cách đường...

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật TP.HCM

(HTV) - Sáng nay, Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban 6 tháng cuối năm 2024, đề ra các phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong năm 2025. ...

Agribank tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Xuân Ất Tỵ

Agribank vừa phối hợp cùng đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trao quà Tết đến các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đối tượng chính sách ở TP.HCM. Đại diện Agribank trao những phần quà Tết đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên các địa bàn TP.HCM – Ảnh: AGR Ngày 18/1, tổ đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 2 – TP.HCM phối hợp...

Đặc sản OCOP vùng miền hội tụ tại TP Hồ Chí Minh phục vụ Tết Nguyên đán

  Theo ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối năm 2024, cả nước đã có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023. Trong đó, 73% là sản phẩm 3 sao, 23% là sản phẩm 4 sao và 51 sản phẩm đạt 5 sao. Ngoài ra, cả nước có 8.086 chủ thể OCOP, bao gồm...

Giá vàng chiều nay 21/01/2025: Bật tăng

Địa chỉ tham khảo các cửa hàng vàng được yêu thích tại Hà Nội: 1. Bảo Tín Minh Châu – 15 – 29 Trần Nhân Tông, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội 2. Công ty vàng bạc đá quý DOJI – 5 Lê Duẩn, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội 3. Chuỗi cửa hàng SJC khu vực miền Bắc – 18 Trần Nhân Tông, P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội 4. Chuỗi cửa hàng PNJ khu vực miền Bắc –...

Tin nổi bật

Tin mới nhất