Sáng 9/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố phía nam.
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương; đề xuất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; kiến nghị hoàn thiện thể chế, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước…
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm chân thành cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp quý báu từ các đồng chí nguyên lãnh đạo, các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ – những người luôn là nguồn cảm hứng, động lực và sức mạnh tinh thần to lớn trên con đường phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư khẳng định, năm 2024, cả nước đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đạt được những bước đi hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong thành tựu đạt được, có phần đóng góp rất lớn của các đồng chí nguyên lãnh đạo, các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ – những người đã cống hiến trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm quý báu góp phần hoạch định chính sách, đưa ra các định hướng, giải pháp đột phá trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2025 là năm rất quan trọng đối với đất nước, Trung ương Đảng đã thống nhất cao việc xác định nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đó là kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, Tổng Bí thư nhấn mạnh, thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. Qua tổng kết 40 năm đổi mới cho thấy phải cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế. Khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính-ngân sách, quản lý tài nguyên, đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng và tiền tệ; hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm minh bạch, loại bỏ những bất cập hiện hành. Đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực; phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng nền hành chính hiệu quả, năng động, môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như: quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm để hỗ trợ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả; thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân…
Tổng Bí thư khẳng định có hai điểm mấu chốt để thực hiện thành công những chủ trương lớn của Đảng là nhận thức và ý chí chính trị; coi khoa học-công nghệ là đột phá. Trung ương Đảng thống nhất, hệ thống chính trị đã được quán triệt, quyết tâm triển khai và được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của nhân dân. Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, coi đây là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá.
Tin tưởng, kỳ vọng đội ngũ tri thức, nhà khoa học – những người tiên phong nòng cốt tạo ra sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, Tổng Bí thư đề nghị đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của mình, tích cực đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước; đồng thời có trách nhiệm tự đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ sau tiến bộ, đào tạo thêm trí thức mới, đội ngũ kế cận, trở thành động lực mạnh mẽ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cầu nối để xây dựng mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, trí thức người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài.
Tổng Bí thư mong muốn các văn nghệ sĩ đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa bằng việc sáng tạo ra những tác phẩm để đời, mang tầm vóc thời đại, có giá trị lớn về tư tưởng, nghệ thuật, tôn vinh những giá trị chân, thiện, mỹ, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đảng sẽ có Nghị quyết về phát triển văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới và nghiên cứu ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới. Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan phối hợp tháo gỡ những nút thắt về pháp luật, cơ chế, chính sách, ngân sách, tài chính, đầu tư… tạo nguồn lực, không gian cho văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, sáng tác, đồng thời đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc, suy thoái, phi văn hóa.