Tại lễ kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX.Đông Hòa, Phú Yên) tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu không số (28.11.1964 – 28.11.2024), chứng kiến đại diện tỉnh Phú Yên đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26.11.2024, anh hùng Hồ Đắc Thạnh rưng rưng vì xúc động. Từng ký ức về đồng đội và những thời khắc sinh tử trong 12 lần chỉ huy tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam ùa về trong tâm trí ông.
Ngày 16.5.1955, trong đội hình Sư đoàn 324, ông Thạnh tập kết ra miền Bắc khi mới 21 tuổi. Tháng 12.1958, ông được điều về Cục Phòng thủ bờ biển (tiền thân của Hải quân Việt Nam). Sau khi được đưa vào Trường Sĩ quan Hải quân để học tập, ông Thạnh được điều về Đoàn Vận tải quân sự chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam (gọi là Đoàn 759, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu). Ông được phân công làm thuyền trưởng tàu 41 thuộc Đoàn tàu không số.
Từ năm 1962 – 1966, ông Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng tàu 41, chỉ huy 11 chuyến tàu chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Năm 1969, ông là thuyền trưởng tàu 54. Suốt 8 năm, ông cùng đồng đội vào Nam ra Bắc với 12 chuyến tàu không số, 40.000 km hành trình đã vượt quá một lần đi vòng quanh trái đất.
Năm 1962, ông Hồ Đắc Thạnh chỉ huy chuyến tàu 41 đầu tiên chở theo 50 tấn hàng rời bến Hải Phòng vượt biển hướng về miền Nam, điểm đến là bến Khâu Băng (Bến Tre). Muốn vào bến Khâu Băng, tàu phải qua cửa sông Cổ Chiên, nơi giữa sông có Cồn Lợi, dưới sông là những hàng đáy của ngư dân được kiên cố bằng các sợi xích thép.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể, sông Cổ Chiên nhật triều 1 ngày 2 lần lên xuống ào ạt, triều lên như dâng trào, triều xuống như thác đổ. Muốn vượt Cồn Lợi, người chỉ luồng phải am hiểu nhật triều vùng này, rành luồng mới có thể thuận lợi vượt qua. Người thuộc nhật triều, rành luồng để vượt Cồn Lợi chẳng ai qua những người dân đóng đáy.
“Sau khi trao đổi với anh em, cả tàu thống nhất tìm người dẫn luồng. Tôi cho tàu tàu từ từ tiếp cận chòi dân. Khi cách chòi 50 m, tôi nghe một tiếng ào như có gì từ chòi đáy rơi xuống nước. Sau này hỏi ra mới biết đó là con cụ chủ chòi sợ quá nên nhảy xuống nước để bơi vào bờ, riêng cụ vì già, chậm chạp chưa kịp nhảy”, ông Thạnh kể lại.
Tàu vận tải cải dạng của Đoàn 125 đang trên đường vận chuyển hàng hóa chi viện chiến trường miền Nam năm 1965
ẢNH: BẢO TÀNG TỈNH PHÚ YÊN
Sau khi giải thích với cụ rằng Quân giải phóng vừa mới lấy được chiếc tàu của hải quân địch đưa về vùng giải phóng nhưng không biết luồng nên nhờ chỉ giúp, cụ già dần bình tĩnh rồi đồng ý giúp. Dưới sự chỉ dẫn của cụ, tàu 41 luồn trái lách phải ngược dòng đi giữa sông Cổ Chiên. Vượt qua Cồn Lợi, tàu 41 nhận được tín hiệu từ ghe của Quân giải phóng nên đi theo và cập bến Khâu Băng sau 8 ngày đêm lênh đênh trên biển. Dưới rừng dừa nước, tàu 41 ngụy trang ở bến 3 ngày chờ dân công bốc hàng.
“Chuyến đi đầu tiên để lại cho chúng tôi nhiều bài học về trọng dân, hiểu dân và tin dân. Nếu không có cụ già canh chòi đáy dẫn đường thì tàu 41 khó hoàn thành nhiệm vụ”, anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể.
Sau chuyến tàu đầu tiên, tàu 41 tiếp tục nhiệm vụ chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Ngày 29.11.1964, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu chở theo 50 tấn hàng vào Rạch Bần Mít (Bến Tre). Ngày 1.1.1964, tàu 41 chở hàng cập bến Hồ Thùng (Trà Vinh), ngày 1.5.1964, cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), ngày 27.6.1964 cập bến Rạch Kiến Vàng (Cà Mau). Ngày 26.7.1964, tàu 41 chở theo theo 53 tấn hàng và 3 khách tăng cường cập bến Thạnh Phú (Bến Tre). Vào Nam ra Bắc, rời bến cập bến, thủy thủ đoàn tàu 41 ngày càng dày dạn sóng gió, kinh nghiệm.
Năm 1964, chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt, Đoàn 759 được cho đóng mới nhiều tàu để chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm 16.10.1964, tàu 41 chở 60 tấn vũ khí rời bến Hải Phòng. Biển êm, sóng lặng, thủy thủ đoàn tranh thủ huấn luyện cho các chiến sĩ thao tác súng pháo, điều khiển máy. Rồi gió mùa Đông Bắc tràn về, sóng cũng dữ tợn hơn, một số chiến sĩ trên tàu được nếm mùi biển cả.
Càng về khuya, gió càng mạnh, bầu trời trở mây đen kịt, vùng biển Hoàng Sa nhiều bãi đá ngầm, từng có 2 con tàu không số mắc cạn ở đây buộc phải phá hủy vì không thể cứu. Tàu 41 đang chạy bỗng khựng lại vì mắc cạn. Vị trí tàu mắc cạn cách đồn địch chỉ tầm 3 km. Việc tàu bị địch phát hiện có thể xảy bất kỳ lúc nào, các chiến sĩ trên tàu vừa giải cứu tàu vừa sẵn sàng tâm lý không để vũ khí, hàng hóa và người rơi vào tay quân địch.
Công tác giải cứu tàu 41 được triển khai nhanh chóng, theo dõi con triều, hàng chục tấm lưng phơi trần dưới nắng nỗ lực phá đá, chống xào mở luồng cho tàu lùi ra. Suốt 3 ngày ròng rã, mọi công việc chuẩn bị đón cao điểm thủy triều đã hoàn tất. Lúc đó, ai cũng mệt và đói lả vì suốt 3 ngày chỉ ăn mỗi lương khô để cầm cự.
Chập tối, triều bắt đầu lên. Khoảng 18 giờ, tàu chuyển động lắc qua lắc lại nhiều lần. Đến 0 giờ, tàu nổi được 2/3. Đến 3 giờ sáng, triều đạt đỉnh cao nhất. Chớp thời cơ, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh ra lệnh dốc sức đưa tàu ra khỏi cạn. Sau nửa tiếng vật lộn, tàu 41 vượt cạn thành công, tiếp tục hành trình.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tau-khong-so-trong-ky-uc-anh-hung-ho-dac-thanh-12-chuyen-tau-sinh-tu-185241220112307654.htm