Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày triển lãm chủ đề “Quân đội anh hùng – Quốc phòng vững mạnh”, diễn ra từ nay đến ngày 31-12, tại địa chỉ số 2, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1.
Triển lãm giới thiệu gần 400 hình ảnh, hiện vật, tài liệu, tập trung thể hiện hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến, chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế…, cùng những hình ảnh về công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu hình ảnh về lực lượng vũ trang Quân khu 7 – Điểm sáng của toàn quân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Triển lãm trưng bày nhiều kỷ vật như bước ra từ năm tháng gian lao của đất nước như: Tấm nóp của nhân dân và bộ đội vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh miền Tây Nam bộ sử dụng trong kháng chiến chống Pháp, giai đoạn 1946-1947; Hũ gạo nuôi quân trong kháng chiến, từ năm 1946-1954; chiếc nón ngụy trang được các chiến sĩ ta sử dụng trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954…
Ở một vị trí trang trọng của triển lãm là chiếc áo quân phục của liệt sĩ Trần Tử Kiện (tên thường gọi là Út Khang, Tiểu đội trưởng Đội Biệt động Q804) – đây cũng chính là kỷ vật cuối cùng gắn với sự hy sinh trung kiên, bất khuất của liệt sĩ Út Khang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1966, trong một trận đánh chống lại đợt càn mệnh danh “Cuộc hành quân Grimp” của địch, đơn vị của đồng chí Út Khang đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nhiều đồng đội hy sinh, riêng Út Khang bị trúng đạn vào chân và bị địch bắt.
Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ đến cực hình nhưng vẫn không thể khai thác một chút thông tin nào từ anh. Chúng đã dùng dây xích cột vào đôi chân đang rỉ máu của anh, mắc thật chặt vào sau một chiếc xe tăng, rồi cho xe lôi anh từ ấp Bầu Trang Đình, đến xóm An Nhơn, huyện Củ Chi để răn đe, làm giảm tinh thần của những người chiến sĩ cách mạng khác.
Cũng giống như hàng ngàn chiếc áo quân phục khác trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Áo được may bằng vải bông màu xanh, là kiểu áo dạng ngắn tay và có một túi trước ngực trái. Giờ đây, chiếc áo đã bạc màu, sờn rách, đôi chỗ vẫn còn loang lổ vết máu qua thời gian đã xỉn lại thành màu nâu sẫm.
Tấm áo cũ kể một câu chuyện về những ngày gian lao mà anh dũng, hy sinh trong cuộc chiến đấu gian khổ ấy có những người tuổi còn chưa tròn đôi mươi, có người cái tên đồng đội còn chưa kịp nhớ… Lớp người anh dũng ngã xuống để làm nên dáng hình đất nước hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay.
THIÊN BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ky-vat-mot-thoi-gian-lao-ma-anh-dung-post772576.html