Chuyện của gần 40 năm rồi mà nghe như mới ngày hôm qua. Sông Sê Pôn chia đôi ranh giới hai nước Việt Nam – Lào vẫn êm đềm xuôi dòng, nhưng 3 đứa trẻ mà bà Kăn Ling nhận nuôi vào một chiều cuối Đông năm 1986, thì chỉ còn lại một.
“Tôi như đứt từng khúc ruột. 3 đứa trẻ ngày ấy, nay chỉ còn Pừng. Hai anh của Pừng do ốm yếu nên đều đã mất từ khi còn nhỏ”, bà Kăn Ling ngậm ngùi.
Còn nhớ, chiều cuối Đông năm 1986, bà Kăn Ling cùng chồng là ông Hồ Văn Tang vượt sông Sê Pôn sang nước bạn Lào để nhận nuôi 3 đứa trẻ mồ côi. Mưa tầm tã, rét như cắt, nhưng tình người là thứ duy nhất chiến thắng, sưởi ấm những đứa trẻ không cha, không mẹ. Thế rồi, bà Kăn Ling bế đứa nhỏ còn đỏ hỏn, quấn trong chiếc chăn mỏng; còn ông Tang bế hai đứa lớn trở về Việt Nam trong nỗi mừng vui xen lẫn lo lắng vì chưa biết lấy gì nuôi bọn trẻ.
Ở vùng đất mà hầu hết người dân còn rất khó khăn, thì việc nhận nuôi thêm những đứa trẻ là điều không tưởng. Nhưng Kăn Ling thì không suy nghĩ nhiều “mình cứ nhận nuôi rồi mọi chuyện hãy tính sau”. Thế rồi, vợ chồng bà Kăn Ling dẫn hết đứa này đến đứa khác về nuôi.
Ngoài 4 đứa con đẻ, cùng với 3 đứa trẻ nhận nuôi từ cuối năm 1986; năm 1989, thêm 3 đứa trẻ mồ côi cùng thôn khăn gói về ở với Kăn Ling là Hồ Văn Thiết, Hồ Thị Tha, Hồ Thị Thiệp. Năm 2005, trong một lần đi công tác ở xã Ba Tầng, cách nhà hơn 10 cây số, Kăn Ling lại đón 3 chị em mồ côi khác là Hồ Thị Hà, Hồ Thị Hinh, Hồ Thị Hội về nhà. Và đến năm 2014, nếp nhà của bà Kăn Ling đón thêm 2 đứa trẻ mồ côi là Hồ Thị Miệc và Hồ Thị Muôi.
Thêm người, thêm miệng ăn, thêm cái mặc và bao nhu cầu khác của cuộc sống. Nhưng bà Kăn Ling chỉ cười, nụ cười rất đỗi hiền từ: Mình nghèo nhưng còn có nhà, có gia đình, có chồng con… còn mấy đứa trẻ, chẳng còn ai thân thích. Vì thế, hai vợ chồng động viên nhau chèo chống để các con có sự sống, có miếng cơm, manh áo và được học chữ như bao đứa trẻ khác.
Hạnh phúc của người mẹ Pa Kô
Trong tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ Pa Kô, những đứa trẻ kém may mắn, cứ lớn dần theo năm tháng. Những đứa trẻ ấy, ngoài thời gian đến trường học chữ, thì đều biết cùng cha mẹ lên nương rẫy lao động, trông em, phụ việc nhà.
Những bữa cơm độn khoai sắn, nhưng gần 20 người trong mái nhà Kăn Ling đều rất vui vẻ, ấm áp. Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng 11 người con nuôi và 4 người con đẻ, đều được Kăn Ling dạy bảo, định hướng tận tình, nhất là chuyện học chữ và rèn nghề.
Chị Hồ Thị Líp – người con gái đầu lòng của bà Kăn Ling, nay là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Tầng, huyện Hướng Hóa tâm sự: Lúc nhỏ cũng như khi trưởng thành, mẹ Ling đều dặn dò 4 chị em chúng tôi (con ruột của Kăn Ling) về việc không được tị nạnh, vì con nuôi hay con đẻ đều là con của cha mẹ. Mẹ dặn, nhưng thường ưu tiên các anh chị em nuôi quần áo, sách vở mới đầu mỗi năm học, vì các anh chị thiệt thòi quá nhiều.
Một trong 3 đứa trẻ may mắn vào cuối năm 1986, nay là cô giáo Hồ Thị Pừng ở Trường Mầm non xã Xy, huyện Hướng Hóa. Nhắc lại chuyện xưa, Pừng rơm rớm: Nếu không có mẹ Kăn Ling, em đã bị chôn theo mẹ ruột rồi, đâu được như ngày hôm nay. Không có mẹ Kăn Ling, Pừng sẽ không được sống tiếp, nói gì tới việc trở thành giáo viên.
Ngồi gõ lại những dòng chữ này, chúng tôi vẫn không thôi rưng rưng. Bài học về tình người, tình yêu thương mà người mẹ Pa Kô vượt lên muôn vàn khó khăn để nuôi dạy những đứa trẻ nên người, là một hành trình lay động con tim.
Để răn dạy các con nỗ lực trong cuộc sống, bà Kăn Ling tự lấy sự phấn đấu của chính mình làm gương. Lớn lên nơi bản làng xa xôi của huyện Hướng Hóa, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong hoạt động đoàn đã là bước đệm quan trọng để cô thanh niên người Pa Kô Kăn Ling được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, rồi lại được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Trước khi nghỉ hưu, bà Kăn Ling là Chủ tịch HĐND xã A Túc cũ, nay đổi tên thành xã Lìa, huyện Hướng Hóa.
Vinh dự nhất với bà là tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nhân dịp Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Trị lần thứ III, năm 2019”.
Ngồi gõ lại những dòng chữ này, chúng tôi vẫn không thôi rưng rưng. Bài học về tình người, tình yêu thương mà người mẹ Pa Kô vượt lên muôn vàn khó khăn để nuôi dạy những đứa trẻ nên người, là một hành trình lay động con tim.
Hướng Hóa (Quảng Trị): Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc